Đề xuất quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh
Bộ Quốc phòng đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện thành lập, tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; quy định hoạt động liên kết giữa trung tâm với các trường cao đẳng, trường đại học, đại học vùng, đại học quốc gia, học viện.
Theo Bộ Quốc phòng, ngày 30/01/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo; căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 05/11/2015 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDDT-BLĐTBXH quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học.
Qua gần 10 năm thực hiện Quyết định số 161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDDT-BLĐTBXH, hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh được các bộ, ngành, địa phương, nhà trường chủ quản quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, mô hình học cụ, trang phục dùng chung, nơi ăn, nơi ở, sinh hoạt để quản lý, rèn luyện, học tập, sinh hoạt tập trung cho sinh viên theo nếp sống Quân đội và môi trường quân sự. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên đã góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự, nâng cao ý thức, trách nhiệm của sinh viên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không bị các thế lực phản động, cơ hội, bất mãn kích động, lôi kéo làm lực lượng đối trọng với chính quyền.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số vướng mắc bất cập, đó là:
Thứ nhất, Quyết định số 161/QĐ-TTg chưa quy định cụ thể về diện tích đất để xây dựng trung tâm; tiêu chí về cơ sở hạ tầng, giảng đường, phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập, nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập tập trung cho sinh viên theo quy mô được quy hoạch; dẫn đến việc bảo đảm giảng đường, phòng học chuyên dùng của một số trung tâm còn thiếu; trang, thiết bị bố trí tại phòng học chuyên dùng còn sơ sài; hệ thống thao trường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, sân tập đội ngũ còn ít, thiết bị chưa đầy đủ, bố trí chưa đúng. Do vậy, cần phải có quy định cụ thể, phù hợp với quy mô đào tạo của từng trung tâm.
Thứ hai, nhiều nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDDT-BLĐTBXH đến nay không còn phù hợp với thực tiễn, cần phải điều chỉnh cho phù hợp; tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không có thông tư liên tịch giữa các bộ, nên không thể sửa đổi, bổ sung thông tư liên tịch, cần có văn bản khác thay thế để thống nhất trong triển khai thực hiện.
Từ những lý do trên, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện thành lập, tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; quy định hoạt động liên kết giữa trung tâm với các trường cao đẳng, trường đại học, đại học vùng, đại học quốc gia, học viện là rất cần thiết.
Dự thảo Quyết định gồm 5 Chương, 39 Điều, gồm một số nội dung chủ yếu sau:
Chương I: Quy định chung gồm 3 Điều quy định về Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng (Điều 1); Vị trí, chức năng của trung tâm (Điều 2); nguyên tắc hoạt động của trung tâm (Điều 3).
Chương II: Điều kiện, trình tự thành lập và chức năng, nhiệm vụ của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh gồm 6 Điều quy định về: Điều kiện thành lập trung tâm (Điều 4); trình tự, thủ tục thành lập trung tâm (Điều 5); bổ sung quy hoạch trung tâm (Điều 6); đưa ra khỏi quy hoạch trung tâm (Điều 7); nguyên tắc đặt tên, đổi tên trung tâm (Điều 8); nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm (Điều 9).
Chương III: Tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh gồm 20 Điều quy định về: Cơ cấu, tổ chức của trung tâm (Điều 10); Giám đốc trung tâm (Điều 11); Phó Giám đốc trung tâm (Điều 12); Hội đồng khoa học và đào tạo (Điều 13); Hội đồng Thi đua, Khen thưởng (Điều 14); Phòng đào tạo, quản lý sinh viên (Điều 15); Phòng Tổ chức, Hành chính (Điều 16); Phòng Tài chính, Hậu cần, Kỹ thuật (Điều 17); Khoa Chính trị, Khoa Quân sự (Điều 18); Đơn vị sinh viên, cán bộ quản lý sinh viên (Điều 19); Tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể (Điều 20); giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh (Điều 21); nhiệm vụ, quyền hạn của sinh viên (Điều 22); điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh (Điều 23); nguồn kinh phí (Điều 24); nội dung chi (Điều 25); học phí môn giáo dục quốc phòng và an ninh (Điều 26); Hoạt động dạy, học (Điều 27); giáo trình, tài liệu giảng dạy (Điều 28); liên thông trong đào tạo môn học giáo dục quốc phòng và an ninh (Điều 29).
Chương IV: Liên kết hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh gồm 7 Điều quy định về Đối tượng tham gia liên kết (Điều 30); hợp đồng liên kết đào tạo (Điều 31); quy trình thực hiện liên kết (Điều 32); trách nhiệm của các bên tham gia liên kết (Điều 33); quyền hạn của các bên tham gia liên kết (Điều 34); quản lý hoạt động liên kết (Điều 35); xử lý vi phạm (Điều 36).
Chương V Điều khoản thi hành gồm 3 Điều quy định về: Tổ chức thực hiện (Điều 37); Hiệu lực thi hành (Điều 38); Trách nhiệm thi hành (Điều 39).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.