Đề xuất quy định về bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Dự thảo quy định rõ về thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Theo đó, người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật" bao gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ, trừ người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ "Tối mật" gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ; Người đứng đầu Cục, Vụ và tương đương thuộc Tổng cục Thống kê.
Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ "Mật" bao gồm: Người đứng đầu các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê; Người đứng đầu đơn vị cấp phòng thuộc các đơn vị thuộc Bộ, thuộc Cục và tương đương thuộc Tổng cục Thống kê…
Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước
Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện như sau:
Sau khi được người có thẩm quyền quy định cho phép, người được giao nhiệm vụ tiến hành việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
Bản sao tài liệu bí mật nhà nước đóng dấu "bản sao số" ở góc trên bên phải tại trang đầu và dấu "bản sao bí mật nhà nước" ở trang cuối của tài liệu sau khi sao, trong đó phải thể hiện số thứ tự bản sao, hình thức sao y bản chính hoặc sao lục, thời gian, số lượng, nơi nhận, thẩm quyền cho phép sao và con dấu của cơ quan, tổ chức (nếu có).
Bản chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có "văn bản ghi nhận việc chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước", trong đó phải thể hiện tên, loại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, độ mật, thời gian, số lượng, nơi nhận, người thực hiện chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, thẩm quyền cho phép chụp và con dấu của cơ quan, tổ chức (nếu có).
Việc sao, chụp phải ghi nhận vào "Sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước" để quản lý và theo dõi.
Người được giao thực hiện việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải là công chức, viên chức có liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước hoặc người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước.
Sau khi được người có thẩm quyền cho phép, người được giao nhiệm vụ tiến hành việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước theo đúng số lượng được cho phép và tiêu hủy ngay bản dư thừa, bản hỏng.
Phương tiện, thiết bị sử dụng để sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu.
Việc sao, chụp điện mật thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài
Thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định như sau:
Thủ tướng Chính phủ quyết định cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước độ "Tối mật", độ "Mật" thuộc phạm vi quản lý.
Bí mật nhà nước chỉ được cung cấp, chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ có liên quan đến bí mật nhà nước.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.