Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán để nâng chất lượng thị trường

Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tuy vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán 2019, nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn và kiến tạo tương lai cho sự phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường chứng khoán, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Nhiều quy định đã được bổ sung để tăng mức độ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Ảnh: Duy Dũng.

Bộ Tài chính vừa đăng tải dự thảo đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia. Trong đó, dư thảo đã có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Tăng trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của hồ sơ

Tại khoản 1, Điều 1, dự thảo đề cương đã bổ sung Điều 9a vào sau Điều 9 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo. Cụ thể, bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoặc tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ, tài liệu báo cáo. Đồng thời, cụ thể quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tổ chức tư vấn hồ sơ, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận, doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá, tổ chức bảo lãnh phát hành, các tổ chức, cá nhân ký xác nhận… liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).

Cùng với đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 11 về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cụ thể, đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng thì phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm. Đối với cá nhân, bổ sung quy định phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất và có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.

Dự thảo cũng bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài; bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tổ chức.

Thêm một nhóm quy định mới cũng được dự thảo sửa đổi, bổ sung về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK. Theo đó, luật hóa quy định về hành vi thao túng TTCK từ Nghị định 156/2020/NĐ-CP bao gồm, cụ thể các hành vi như: mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường, nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự...

Dự thảo cũng bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến giao dịch của người nội bộ công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan trong việc không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng.

Thêm quy định rõ ràng hơn về chào bán chứng khoán

Theo dự thảo đề cương, Điều 15 về chào bán chứng khoán ra công chúng tại Luật Chứng khoán 2019 cũng được sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3. Cụ thể, đối với chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng được bổ sung quy định ngoại trừ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu thì không phải đạt tỷ lệ tối thiểu 70% số cổ phiếu được chào bán trong trường hợp chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tố chức phát hành.

Đối với chào bán trái phiếu ra công chúng, dự thảo bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ.

Dự thảo còn bổ sung quy định về một số trường hợp hủy bỏ đợt chào bán như phát hiện đợt chào bán trái phiếu, chứng quyền có bảo đảm ra công chúng vi phạm quy định, và ngoại trừ đối với cổ phiếu đã đưa vào niêm yết, đăng ký giao dịch thì không bị hủy bỏ...

Bên cạnh đó, đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, dự thảo bổ sung rõ: Đại hội đồng cổ đông phải quyết định về số lượng cổ phiếu, giá chào bán hoặc nguyên tắc xác định giá chào bán; tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên thành 3 năm tương ứng với nhà đầu tư chiến lược....

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng khác như: quy định về đình chỉ, hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ tương ứng với chào bán chứng khoán ra công chúng; sửa đổi, bổ sung quy định về công ty đại chúng…

Mở pháp lý để triển khai chức năng đối tác bù trừ trung tâm

Bên cạnh các quy định về quỹ đại chúng, tại dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo cũng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Những sửa đổi, bổ sung sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thành lập công ty con của VSDC để triển khai chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP), đảm bảo hoạt động này hiệu quả, an toàn và đúng thông lệ quốc tế.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-xuat-sua-doi-bo-sung-luat-chung-khoan-de-nang-chat-luong-thi-truong-157904.html