ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ: ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT
Nhằm Khắc phục các tồn tại, bất hợp lý sau 15 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế; bảo đảm thống nhất với Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan,.. hiện nay Bộ Y tế đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
Luật bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế, là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Cần thiết sửa đổi
Theo Bộ Y tế, sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo hiểm y tế được chú trọng và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh, cụ thể: Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; Về phạm vi được hưởng của bảo hiểm y tế; Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; Về mức đóng bảo hiểm y tế; Về tên gọi của cơ sở khám, chữa bệnh; Về hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế;…
Trong đó, về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế: Việc quy định hộ gia đình là “một nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế” chưa tương thích với việc phân nhóm đối tượng tham gia theo “trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế”. Đồng thời, quy định đối tượng tham gia theo hộ gia đình dựa trên danh sách thành viên trong sổ hộ khẩu không phản ánh mối quan hệ giữa các thành viên và trách nhiệm của thành viên hộ gia đình trong thực hiện bảo hiểm y tế. Mức đóng và việc giảm trừ mức đóng cho các thành viên hộ gia đình khi cùng tham gia bảo hiểm y tế chưa thực sự công bằng so với các nhóm đối tượng khác, trong đó có học sinh, sinh viên. Đối với người nước ngoài, Luật Bảo hiểm y tế quy định phạm vi điều chỉnh có “cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến bảo hiểm y tế”. Quy định này chưa cụ thể, không rõ ràng về đối tượng, mức đóng, cách thức đóng bảo hiểm y tế dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
Liên quan đến phạm vi được hưởng của bảo hiểm y tế: Một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được quy định trong phạm vi hưởng bảo hiểm y tế như quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư y tế hỗ trợ sử dụng trong phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị …
Quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả chưa rõ về khái niệm, chưa sát thực tiễn đặc thù của Việt Nam, chưa thể hiện tính chất của gói dịch vụ y tế cơ bản phải đặt trong sự cân đối về phạm vi quyền lợi và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. Trong khi Luật Bảo hiểm y tế đã có các quy định về phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế; đồng thời quy định Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã mang tính chất xác định các quyền lợi, phạm vi cơ bản cho người bệnh bảo hiểm y tế ở tất cả các tuyến đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của hầu hết các mặt bệnh, ở tất cả các chuyên khoa, tại tất cả các tuyến chuyên môn kỹ thuật và phần còn lại do người bệnh cùng chi trả. Trong thực tiễn không thể hướng dẫn được gói dịch vụ y tế cơ bản cho tất cả các tuyến. Đối với điều kiện đặc thù của Việt Nam thì gói dịch vụ y tế cơ bản tương ứng với các dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế đáp ứng cho chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh tại y tế cơ sở.
Đồng thời, Luật Bảo hiểm y tế cũng đã phát sinh một số vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện có liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, quyền lợi bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, ..
Về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật: Còn tình trạng các văn bản ban hành thiếu đồng bộ hoặc có những quy định đã không còn phù hợp nhưng chưa được khắc phục kịp thời. Một số văn bản hướng dẫn về bảo hiểm y tế còn chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và vận dụng không thống nhất hoặc gây lúng túng, khó khăn khi triển khai.
Bộ Y tế nhần mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm thống nhất với Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ giúp bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, sự phát triển của xã hội, khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý toàn diện sức khỏe người dân.
Đề xuất 05 nhóm chính sách
Về quan điểm xây dựng luật, Bộ Y tế cho biết: Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân. Bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế.
Đồng thời, khắc phục được cơ bản các tồn tại, bất hợp lý sau 15 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế, cụ thể hóa một số chính sách trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, việc xây dựng luật cũng bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, sự phù hợp với các quy định tại các luật có liên quan như Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi số 15/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật, Luật bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Luật Căn cước công dân.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung dự kiến có 05 nhóm chính sách bao gồm: (1) Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; (2) Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; (3) Điều chỉnh các quy định bảo hiểm tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (4) Nâng cao hiệu quả quản lý trong giám định và thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (5) Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5 năm 2024.
Trước đó, Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã nêu rõ: Khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Bảo hiểm y tế. Đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở. Tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân; nghiên cứu mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, thiết bị, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả tương ứng với mức tăng bảo hiểm y tế. Giải quyết kịp thời những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84857