Đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt?
Dư luận xôn xao và nhiều người đang nộp thuế tỏ rõ sự thất vọng vì một số quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có mức giảm trừ gia cảnh đã rất lỗi thời và lạc hậu so với thực tế cuộc sống trước mắt sẽ chưa có thay đổi. Và nhiều người lao động phải xác định tiếp tục 'còng lưng' cõng thuế thu nhập cá nhân không phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế; trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, khi thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, cá nhân được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định…, số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, cá nhân phát sinh thu nhập chịu thuế thì mới phải nộp thuế theo quy định.
Hiện nay, theo quy định, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Quốc Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm việc cho một doanh nghiệp xuất nhập khẩu với mức lương 20 triệu đồng/tháng, vợ anh làm tại cơ quan nhà nước với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, anh chị đương nhiên phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Điều đáng nói, chi phí hàng tháng quá lớn khiến gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Anh chị đang nuôi 2 con học cấp 2 và cấp 3; trả góp căn hộ chung cư mỗi tháng gần 10 triệu đồng; gửi 2 triệu đồng phụng dưỡng cha mẹ già hàng tháng. “Hai bé được giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng, nhưng một cháu học dân lập, tiền học mỗi tháng hết 6 triệu, cháu học công lập nộp tổng cộng cả học thêm là 3 triệu đồng, như vậy số tiền giảm trừ chỉ đủ đóng học phí”, anh Hùng cho hay.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại theo từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh này hiện không còn phù hợp với giá cả thực tế và chi phí cho nhu cầu cuộc sống. Vì vậy, theo chuyên gia, Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) phải chờ Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026 là quá chậm, thay vào đó cần phải sửa ngay trong năm 2024 vì nhiều quy định lạc hậu ảnh hưởng đến người dân thì cần phải sửa ngay.
Đề xuất trên được Bộ Tài chính cho rằng qua theo dõi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ chưa biến động đến mức 20%, nên thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến của chỉ số này để chủ động đề xuất theo quy định. Ngoài ra, năm 2025 sẽ sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân, lúc đó sẽ sửa tổng thể các nội dung gồm thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, mức giảm trừ gia cảnh…
Theo Tổng cục Thuế, tổng số thu thuế thu nhập cá nhân năm 2023 trên 155.000 tỷ đồng. Mức này giảm so với con số 166.733 tỷ đồng ghi nhận hết năm 2022. Đáng nói, mức thu thuế thu nhập cá nhân năm 2023 giảm lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, cho thấy thu nhập của người dân giảm sút.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động CPI là chưa đủ, bởi chỉ số CPI chỉ là một nguồn dữ liệu tham khảo chứ không thể căn cứ vào đó để điều chỉnh, sửa đổi quy định về thuế, giảm trừ gia cảnh, liên quan đến thu nhập, cuộc sống của người dân.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ thực hiện khi lạm phát thay đổi 20% là quá cứng nhắc. Không nên điều hành thuế theo lạm phát vì theo mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên. Người làm chính sách thuế cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo.
“Khi những quy định pháp luật đang khiến người dân thêm khó khăn, bức xúc thì cơ quan quản lý như Bộ Tài chính phải đặt lợi ích của người dân lên trên để đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt”, ông Thịnh nói.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là quá thấp và không phù hợp với thực tế. Hơn chục năm qua, giá cả sinh hoạt, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân có thể dễ dàng cảm nhận được giá cả phải tăng gấp đôi. Trong khi đó, mức thu nhập nộp thuế chỉ tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng, tương đương 20%, là mức tăng không tương xứng với CPI.
Ông Thế Anh dẫn chứng thêm: "Nếu như một gia đình tại thành phố cho con học trường tư thì mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng này không thể đủ, trong khi hệ thống trường công không đủ. Những người phải nộp thuế thu nhập cá nhân mà con học trường tư rất thiệt thòi vì không được hưởng giáo dục miễn phí từ các cấp học phổ thông, trong khi khoản chi phí cho con học trường công đó cũng không được giảm trừ khi tính thuế…".