Đề xuất tài xế Grab tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Hiện nay, tài xế Grab, shipper và một số nhóm lao động công nghệ khác không thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Vừa qua, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã được tổ chức tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tham gia thảo luận, đồng chí Ma Thị Thúy - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng khác, thu nhập ổn định thường xuyên là không phù hợp. Theo đại biểu, đây là thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ.
Trên thực tế, số lượng lao động công nghệ có thu nhập ổn định (Grab, shipper, bán hàng online...) khá lớn, thậm chí còn cao hơn cả nhóm lao động phổ thông làm việc trong doanh nghiệp. Tuy nhiên đến nay Chính phủ vẫn chưa có giải pháp kịp thời để đưa đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Thúy đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) giao Chính phủ quy định chi tiết, có lộ trình cụ thể áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm lao đông công nghệ (Grab, shipper…) vào năm 2026.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là một trong những nội dung lớn của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Cụ thể, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung 5 nhóm lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (theo chế độ linh hoạt).
Trường hợp người lao động không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động cũng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.