Đề xuất tăng 6 lần mức xử phạt hành vi che biển số: Cần thiết trong phòng ngừa vi phạm
Lỗi xử phạt hành vi che biển số tại Nghị định 100/2019 đến nay đã cho thấy không còn phù hợp khi nhiều tài xế cố tình vi phạm để chạy quá tốc độ, đặc biệt là trên các cao tốc, gây nguy hiểm cho phương tiện di chuyển cùng chiều.
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt của Bộ GTVT, mức phạt đối với các lỗi vi phạm liên quan đến biển số đã được đề xuất tăng cao để đủ sức răn đe.
Trong đó, một đề xuất đáng chú ý của Bộ GTVT là tăng mức xử phạt từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng như hiện nay lên từ 4 - 6 triệu đồng đối với hành vi người điều khiển xe ô tô che biển số.
Theo lý giải từ đại diện Bộ GTVT, trên mạng xã hội trong suốt thời gian qua đã chia sẻ hình ảnh về những chiếc xe ô tô cố tình che chắn, tẩy xóa biển số xe nhằm gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính thông qua camera (phạt nguội). Thế nhưng, khi bị phát hiện xử lý thì các xe che biển số chỉ bị phạt cao nhất là 1 triệu đồng. Trong khi đó, những hành vi khác như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, đi vào đường cấm,... có thể bị phạt đến hơn 10 triệu đồng.
Tình trạng xe ô tô che biển số cũng diễn ra khá nhiều trên các cao tốc có sử dụng camera phạt nguội, ví dụ như Hà Nội – Lào Cai khiến những xe lưu thông cùng chiều hoang mang, lo ngại.
Nêu ý kiến về đề xuất của Bộ GTVT, Luật sư Đào Thị Liên – luật sư điều hành Công ty Luật Tiền Phong - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, mức phạt đối với hành vi che lấp biển số theo Nghị định 100/2019 không có thay đổi so với Nghị định 46.
Rõ ràng, mức phạt này chưa đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa vi phạm pháp luật giao thông trong tình hình mới. Với sự chênh lệch rất lớn giữa hai mức phạt áp dụng với hành vi vượt quá tốc độ và hành vi che lấp biển số xe, nhiều chủ phương tiện xe ô tô sẽ lựa chọn che lấp biển số để vượt tốc độ và chấp nhận mức phạt trung bình 900 nghìn đồng nếu bị phát hiện.
Ngày 3/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Đề án này của Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông và đã được triển khai trên phạm vi cả nước, đặc biệt ưu tiên 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Do đó, để thực hiện hiệu quả chính sách trên thì nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý xử lý vi phạm trật tự ATGT đường bộ qua hình ảnh phải được quan tâm và điều chỉnh cho hợp lý. Bởi lẽ, mục đích của xử phạt vi phạm hành chính là ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/8/2016 quy định: người điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Lái xe bị giữ giấy tờ 07 ngày làm việc (Khoản 3, Điều 16).
Thời điểm ban hành Nghị định 46 thì phương thức kiểm soát an toàn trong lĩnh vực giao thông vẫn dựa trên sức người là chính, các thiết bị công nghệ hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông chưa nhiều. Có thể nói, việc kiểm soát biển số phương tiện để “phạt nguội” thời điểm 2016 gần như chưa đặt ra.
Từ ngày 1/1/2020 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46. Thời điểm này, nhiều tuyến đường cao tốc, hoặc các tuyến đường trọng điểm của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã được đầu tư lắp camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông. Mức phạt đối với hành vi vượt quá tốc độ cho phép của ô tô rất cao, chúng tôi tổng hợp các mức phạt cụ thể theo từng mức vi phạm như sau:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm a Khoản 3 Điều 5).
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm i Khoản 5 Điều 5).
Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (Điểm b Khoản 11 Điều 5);
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h (Điểm a Khoản 6 Điều 5).
Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5).
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h (Điểm c Khoản 7 Điều 5).
Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5).
Khi Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính được Thủ tướng chính phủ thông qua thì việc rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy nói chung và điều chỉnh mức phạt đối với hành vi che lấp biển số nói riêng là cấp thiết vì nó giúp xử lý kịp thời và hiệu quả xu hướng vi phạm hành chính trong bối cảnh mới.
Theo Luật sư Đào Thị Liên, mức phạt đề xuất khoảng 6 triệu đồng/lần vi phạm tôi cho là hợp lý, vì nó nằm giữa mức phạt cao nhất đối với hành vi vượt quá tốc độ, tạo ra tương quan cân bằng về mức xử phạt giữa hai hành vi. Khi mức phạt tương đồng thì chủ phương tiện sẽ không lợi dụng được để vi phạm, và như thế, hiệu quả công tác nâng cao chất lượng quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông mới được đảm bảo.