Đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách cho người nghèo tham gia bảo hiểm y tế
Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có trên 86,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số, giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2021. Việc phát triển tỷ lệ bao phủ đối với 10% dân số còn lại đang đặt ra rất nhiều thách thức với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Khoảng 3,1 triệu người không còn được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế
Thông tin tới phóng viên, ông Trần Quốc Túy - Phó Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ Thẻ, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, thời gian qua được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt là việc ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, giảm bớt gánh nặng về tài chính và góp phần tăng tỷ lệ bao phủ dân số tham gia BHYT.
Nguồn: Bảo hiểm Xã hội Đồ họa: Thế Dương
Số liệu thống kê cho thấy, số người tham gia BHYT từ năm 2017 đến năm 2020, hằng năm đều tăng khoảng trên 2 triệu người, bình quân mỗi năm tăng khoảng 3%. Tuy nhiên, từ năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chính sách mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 861/2021/QĐ-TTg và người dân sinh sống tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã làm sụt giảm số người tham gia BHYT do những khu vực này đã thoát khỏi xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo...
Trong số đó, có khoảng 3,1 triệu người trước đây được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT, thì nay do địa phương đã thoát nghèo, nên không được hưởng chế độ đó nữa. Trong đó hiện có khoảng 2,65 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn chưa có điều kiện tự tham gia BHYT. Một số địa phương có số người tham gia BHYT giảm sâu như: Đắk Lắk giảm 225,5 nghìn người, trong đó có 194,6 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Sóc Trăng giảm 309,5 nghìn người, trong đó có 200 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Trà Vinh giảm 243,6 nghìn người tham gia, trong đó có 93,8 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Sơn La giảm 180 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số tham gia; Thanh Hóa giảm 183,3 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số tham gia…
Đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng từ ngân sách nhà nước
Ông Trần Quốc Túy cho biết, để phát triển hiệu quả người tham gia đối với 10% dân số còn lại, góp phần hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT để ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khắc phục bất cập trong tổ chức thực hiện nhằm phát triển người tham gia BHYT.
Trong đó, bổ sung người tham gia BHYT bắt buộc đối với nhóm người lao động và người sử dụng lao động là người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh cá thể; người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt đồng bộ với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Bên cạnh đó, quy định việc tham gia BHYT đối với nhóm người lao động đang tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; nhóm đối tượng người tham gia kháng chiến, nghệ nhân, nghèo đa chiều, dân quân tự vệ thường trực; người sinh sống ở xã an toàn khu (ATK), vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh...; trẻ em dưới 6 tuổi có bố hoặc mẹ mang quốc tịch Việt Nam sinh ra ở nước ngoài sau đó được đưa về Việt Nam sinh sống lâu dài, hoặc sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam; người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập… trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 21/6/2022, tại Công văn số 1668/BHXH-TST gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cung cấp số liệu phục vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2022 và Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ có chính sách đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người dân tại các huyện, xã đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 và đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đã thoát khỏi diện khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.
Cũng theo ông Túy, BHXH Việt Nam đã đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng từ ngân sách nhà nước cho một số người tham gia như học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50% mức đóng BHYT.
Xung quanh vấn đề này, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết thêm, Quyết định số 861/QĐ-TTg đã ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT của 3,1 triệu người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Về trước mắt, xử lý tình huống thì cơ quan BHXH đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có chỉ đạo các bộ ngành sớm xem xét xử lý việc này.
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh báo cáo HĐND, UBND tỉnh để có chính sách hỗ trợ. Cũng theo ông Ánh, nhiều địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho người dân đóng BHYT khi phải chuyển đổi khu vực bằng ngân sách địa phương. Cơ quan BHXH cũng tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về chính sách này. Tuy nhiên, những đối tượng ở các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, bãi ngang, ven biển hải đảo còn tương đối khó khăn. Về lâu dài, cơ quan BHXH đang đề xuất sửa luật, để tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, duy trì chính sách BHYT bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT.