Đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ liền trong năm
Sáng 04/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Bộ Luật Lao động, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Bùi Huyền Mai chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung vào các nội dung lớn như: Mở rộng khung làm thêm giờ tối đa, giờ làm việc theo quy định, quy định về tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) và một số các quyền, lợi ích của người lao động…
Cụ thể, xung quanh điều chỉnh quy định về giờ làm thêm, vẫn có những quan điểm khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, nên giữ nguyên quy định về số giờ làm việc bình thường, giờ làm thêm tối đa không được vượt quá 300 giờ. Đại diện Hội Luật gia TP Hà Nội Trương Văn Dũng góp ý, nên giữ nguyên quy định luật hiện hành, không tăng giờ làm thêm, bởi hiện nay đất nước đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, mà phát triển con người phải ưu tiên hàng đầu. Phải làm sao để tăng năng suất lao động, đi kèm lương giảm giờ làm, cải thiện đời sống của NLĐ.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Ngô Văn Tuyến bổ sung, số giờ làm việc bình thường của Việt Nam đang thuộc tốp cao nhất thế giới và số ngày nghỉ liền dài lại thuộc tốp ít nhất thế giới, hơn nữa, việc giảm giờ làm đang là xu hướng chung. Chính vì vậy, Dự thảo Bộ Luật lần này cần quy định giảm giờ làm cho NLĐ, đồng thời tăng thêm 3 ngày nghỉ liên tục trong năm. Ông Tuyến đưa là 2 phương án cụ thể: Kéo dài ngày nghỉ trong dịp Quốc khánh từ 2 – 5/9 để NLĐ có thời gian nghỉ ngơi, về quê và đưa con tới trường khai giảng. Hoặc nghỉ thêm 1 ngày vào ngày gia đình việt nam 28/6 và tăng nghỉ Tết dương lịch lên thành 2 ngày.
Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp, đại diện Tổng Công ty May 10, Công ty xích líp Đông Anh, Công ty khóa Việt Tiệp đều cho rằng: Việc giảm giờ làm việc hiện nay là không phù hợp, do doanh nghiệp đã chịu quá nhiều các chi phí, nếu giảm giờ làm đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí và giảm năng xuất của doanh nghiệp. Cụ thể, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt khẳng định, hiện nay Bộ Luật Lao động đã khá tối ưu, không cần thay đổi quá nhiều. Đứng trên góc độ doanh nghiệp, những thay đổi sẽ rất áp lực với doanh nghiệp. Trong Bộ Luật không nên quy định giờ làm việc tối đa không quá 300 giờ mà chỉ nên quy định không quá 12 giờ/ngày. Do đặc thù của nhiều ngành sản xuất khi vào mùa vụ, nếu được, nên có quy định riêng đối với ngành đặc thù không quá 400 giờ dựa trên thỏa thuận với NLĐ.
Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, đa số các ý kiến đều đồng tình nên giữ nguyên như hiện nay. Theo đại diện Hội Luật gia TP, việc tăng tuổi nghỉ hưu với đối tượng này đồng nghĩa với kéo theo đối tượng khác thất nghiệp. Hơn nữa, quy định về tuổi hưu hiện nay còn tạo cơ chế mở cho người sử dụng lao động và NLĐ có điều kiện thỏa thuận hợp đồng lao động tiếp theo khi NLĐ còn đủ sức khỏe để lao động. Còn đối với những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc nắm giữ các vị trí chủ chốt đã có cơ chế riêng, phù hợp.
Vấn đề không tăng tuổi nghỉ hưu cũng nhận được sự đồng tình từ các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty khóa Việt Tiệp, nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu với đối tượng là NLĐ trực tiếp; đối với những lao động gián tiếp có thể nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.
Quy định về các tổ chức đại diện cho NLĐ ngoài công đoàn, đại diện Hội Luật gia và đại diện LĐLĐ TP cùng chung lo lắng, nếu quy định về một số các tổ chức ngoài công đoàn đại diện cho NLĐ sẽ gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, khó đảm bảo quyền lợi cho NLĐ tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp liên doanh, có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, cần giữ nguyên quy định về cán bộ công đoàn hết hợp đồng đang trong nhiệm kỳ phải tiếp tục ký kết hợp đồng lao động. Đại diện Bảo hiểm xã hội TP cũng nêu lên thực trạng việc một số doanh nghiệp lách luật, ký hợp đồng lao động dưới một tháng để trốn đóng BHXH, khiến NLĐ mất quyền lợi.
Ngoài ra, một số các ý kiến góp ý khác bàn về những quy định như việc DN tổ chức làm thêm giờ phải báo cáo UBND cấp tỉnh là không phù hợp do thủ tục nhiêu khê, làm khó cho doanh nghiệp, dễ gây nhũng nhiễu. Quy định về những hành vi nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động là không giữ giấy tờ tùy thân là chưa đủ, cần bổ sung thêm các loại giấy tờ quan trọng như bằng cấp, chứng chỉ, hộ khẩu. Quy định về chuyển NLĐ làm công việc khác. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của NLĐ…
Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Bùi Huyền Mai khẳng định, Đoàn tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý của đại biểu và sẽ tổng hợp ghi nhận báo cáo UBTV Quốc hội. Ngoài ra, tới đây, Đoàn cũng sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để lắng nghe ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, DN và NLĐ.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-xuat-tang-them-3-ngay-nghi-lien-trong-nam-354078.html