Đề xuất tăng thu nhập cho giáo viên tiểu học tại TPHCM

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã đề xuất tăng thu nhập cho giáo viên tiểu học dạy buổi 2 các khối lớp 1,2,3,4. Đồng thời đưa ra các chế độ, chính sách thu hút các giáo viên tiểu học, mầm non gắn bó với nghề.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TPHCM về đề nghị xem xét giải quyết nhiều nội dung liên quan đến chế độ, chính sách cho giáo viên đang công tác trên địa bàn TPHCM.

Theo Công văn 6682 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM kiến nghị UBND TPHCM quan tâm chỉ đạo công tác tuyển dụng giáo viên đạt chuẩn, nhất là các bộ môn hiện còn thiếu nhiều giáo viên như tiếng Anh, Mỹ thuật, Hội họa, Tin học, Tổng phụ trách Đội...

Đề xuất các chế độ, chính sách đặc thù cho giáo viên do mức thu nhập hiện nay còn thấp, chưa thu hút được giáo viên gắn bó với nghề, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học. Trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế, thành phố cần xem xét và có lộ trình thực hiện để đảm bảo số lượng biên chế của ngành giáo dục.

TPHCM đề xuất tăng thu nhập cho giáo viên tiểu học dạy buổi 2.

TPHCM đề xuất tăng thu nhập cho giáo viên tiểu học dạy buổi 2.

Thành phố cần xem xét cơ chế đặc thù để bổ sung ngân sách chi tiền dạy buổi 2 cho giáo viên tiểu học đang dạy các khối 1, 2, 3, 4 (bốn khối lớp đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - PV) do hiện ngân sách không có khoản chi này và trong phụ lục danh mục theo Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) chỉ áp dụng khoản thu buổi 2 với khối lớp 5.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thu chi đầu năm tại các trường học, công khai rõ ràng các khoản thu, phát huy vai trò phối hợp giữa ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường và gia đình, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, tăng cường quản lý chất lượng giáo dục, tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đối với các trường ngoài công lập. Chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp các cơ quan chức năng đảm bảo an toàn trước cổng trường, tránh tình trạng mua bán, lấn chiếm trước cổng trường, hạn chế các vấn đề tiêu cực phát sinh, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, tạo môi trường thân thiện, an toàn cho học sinh.

Hiện kinh phí trang bị đồ dùng phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khá lớn, các trường không đủ nguồn lực thực hiện nên cần xem xét chỉ đạo việc bố trí ngân sách hỗ trợ các trường bổ sung trang thiết bị dạy học. Đồng thời TP cần tiến hành rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng nguồn vốn đầu tư xây dựng thêm phòng học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, tạo điều kiện bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập tại các quận có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao như quận 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, TP Thủ Đức...

Sau khi nhận văn bản đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện nghiên cứu các kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, đồng thời triển khai các nội dung có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.

Những nội dung vượt quá thẩm quyền thì tham mưu UBND TP xem xét, giải quyết, ban hành các chính sách kịp thời.

P.T

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-xuat-tang-thu-nhap-cho-giao-vien-tieu-hoc-tai-tphcm-169231024165027889.htm