Đề xuất tạo cơ chế phát triển giáo dục chất lượng cao

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình cho biết, cần có những cơ chế, chính sách mạnh hơn, đặc biệt hơn để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, tạo không gian phát triển bình đẳng công tư. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao.

Dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV chiều 28/5. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV chiều 28/5. Ảnh: Quốc hội

Xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu cho biết thêm, việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục thủ đô và Nghị quyết số 15 của Trung ương ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có viết: "Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế".

Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao chính là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

Thêm vào đó, việc xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao không phải là quy định hoàn toàn mới, thực chất đây chính là sự tiếp nối, kế thừa của Luật Thủ đô năm 2012 tại khoản 3 Điều 12. Thực tiễn triển khai quy định về cơ sở giáo dục chất lượng cao thời gian qua ở Hà Nội cũng đã cho kết quả tốt, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng cần cân nhắc về mức độ đầu tư cho trường có chất lượng cao, đối tượng được học ở trường này và nên lưu ý có phải chỉ có người Hà Nội mới được học trường này không, còn các địa phương muốn gửi lên học có được không?

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV chiều 28/5. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV chiều 28/5. Ảnh: Quốc hội

Cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục

Cùng góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cơ bản nhất trí về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đại biểu góp ý thêm về việc thực hiện mô hình trường công chất lượng cao, học phí cao sẽ không khuyến khích được khối tư thục phát triển, nếu trường công cũng cung cấp dịch vụ giáo dục đặc biệt, Luật Thủ đô đã có những chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Nam Từ Liêm Hà Nội - Trường Tiểu học chất lượng cao đầu tiên của TP. (Ảnh: CP)

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Nam Từ Liêm Hà Nội - Trường Tiểu học chất lượng cao đầu tiên của TP. (Ảnh: CP)

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, cần có những cơ chế, chính sách mạnh hơn, đặc biệt hơn để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, tạo không gian phát triển bình đẳng công tư, trường tư phải được cung cấp các dịch vụ đặc biệt chất lượng cao như quan điểm của Luật Giáo dục đã nêu. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị Chính phủ cân nhắc việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao, cần đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường giáo dục công bằng, trong lành, hạnh phúc, không trái quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc chung về trường công.

Song song với đó, đề nghị Hà Nội tập trung xây dựng những trường chuẩn quốc gia mẫu mực, tạo sức lan tỏa cho giáo dục cả nước và đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông công lập đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em đều được đến trường theo nguyện vọng, trẻ em con nhà nghèo phải được học ở trường công.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/de-xuat-tao-co-che-phat-trien-giao-duc-chat-luong-cao-385674.html