Đề xuất Thẩm phán không được kiêm nhiệm làm chánh văn phòng ở TAND cấp huyện

Trong dự thảo Thông tư quy định về bộ máy giúp việc của TAND các cấp, TAND Tối cao đưa ra đề xuất: Thẩm phán không được kiêm nhiệm làm chánh văn phòng ở TAND cấp huyện.

TAND Tối cao vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về bộ máy giúp việc của TAND cấp tỉnh, cấp huyện và TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Theo đó, Thông tư này sẽ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, các phòng thuộc TAND cấp tỉnh; bộ máy giúp việc của TAND cấp huyện và TAND sơ thẩm chuyên biệt.

TAND cấp tỉnh sẽ có 2 Phòng trực thuộc

Cụ thể, TAND cấp tỉnh sẽ có văn phòng và các phòng trực thuộc. Ở văn phòng sẽ có Chánh văn phòng, không quá hai Phó Chánh văn phòng và các công chức, người lao động khác.

Trường hợp văn phòng có dưới 10 biên chế thì được bố trí một Phó Chánh văn phòng, có từ 10 biên chế trở lên thì được bố trí hai Phó Chánh văn phòng.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng TAND cấp tỉnh là: Thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu; Thực hiện công tác hành chính quản trị, kế toán tài chính; Giúp Chánh án quản lý công sản, cơ sở vật chất...;Tham mưu cho Chánh án trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng; Thực hiện việc tiếp nhận, thụ lý các đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh...

 TAND Tối cao đề xuất ở TAND cấp huyện thì thẩm phán không được kiêm nhiệm chức vụ Chánh văn phòng, Trưởng phòng (ảnh minh họa). Ảnh: PN

TAND Tối cao đề xuất ở TAND cấp huyện thì thẩm phán không được kiêm nhiệm chức vụ Chánh văn phòng, Trưởng phòng (ảnh minh họa). Ảnh: PN

Về các phòng thuộc TAND cấp tỉnh bao gồm hai phòng là: Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án và Phòng Tổ chức cán bộ.

Ở các phòng này sẽ có Trưởng phòng, không quá hai Phó Trưởng phòng và các Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án. Phòng có dưới 10 biên chế thì được bố trí một Phó Trưởng phòng, có từ 10 biên chế trở lên thì được bố trí hai Phó Trưởng phòng.

Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án sẽ có nhiệm vụ: Kiểm tra các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các TAND cấp huyện để phát hiện, đề xuất Chánh án kiến nghị xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; Là đầu mối trong việc phối hợp với cơ quan thi hành án, VKSND và các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu, tổng hợp và đề xuất hướng giải quyết đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Còn phòng tổ chức cán bộ có nhiệm vụ giúp Chánh án trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ; thực hiện chính sách đối với công chức và người lao động; Giúp Chánh án xây dựng, thực hiện kế hoạch tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh công chức khác...

TAND cấp huyện có phòng theo dõi thi hành án hình sự

Ở TAND cấp huyện bộ máy giúp việc sẽ bao gồm: Văn phòng và Phòng theo dõi thi hành án hình sự.

Trường hợp Phòng Theo dõi thi hành án hình sự được thành lập tại TAND TP thuộc TP trực thuộc TW hoặc thành phố là thủ phủ của tỉnh thì có số lượng biên chế từ 50 người trở lên.

Đáng chú ý, trong cơ cấu tổ chức của văn phòng TAND cấp huyện quy định Thẩm phán không được kiêm nhiệm làm Chánh văn phòng.

Văn phòng TAND cấp huyện sẽ có Chánh văn phòng, một Phó Chánh văn phòng (đối với Văn phòng có từ 05 biên chế trở lên), công chức và người lao động.

Về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng TAND cấp huyện đa số tương đồng với chức năng nhiệm vụ của Văn phòng TAND cấp tỉnh như đã nêu ở trên.

Ở Phòng theo dõi thi hành án hình sự gồm Trưởng phòng, một Phó Trưởng phòng (đối với phòng có từ 05 biên chế), Thư ký Tòa án. Thẩm phán không được kiêm nhiệm làm Trưởng phòng.

Phòng này có Nhiệm vụ, quyền hạn là giúp Chánh án thực hiện công tác thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật; Phối hợp với cơ quan thi hành án, VKSND và các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu, tổng hợp và đề xuất hướng giải quyết đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án; Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Chánh án TAND cấp huyện.

Tòa chuyên biệt sẽ có Văn phòng và Phòng công tác cán bộ

Văn phòng của Tòa chuyên biệt giúp Chánh án của tòa chuyên biệt thực hiện việc tiếp nhận, thụ lý các đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ vụ án, thụ lý yêu cầu giải quyết vụ việc phá sản thuộc thẩm; giúp Chánh án tổ chức công tác xét xử; tổ chức công tác tiếp công dân theo quy định của pháp luật; giúp Chánh án tổng kết thực tiễn xét xử các vụ án hành chính, sở hữu trí tuệ, thực tiễn giải quyết vụ việc phá sản và đề xuất án lệ...

Còn phòng công tác cán bộ có nhiệm vụ giúp Chánh án của tòa chuyên biệt trong việc quản lý biên chế cán bộ; thực hiện chính sách đối với công chức và người lao động; giúp Chánh án theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan tới hoạt động của Tòa chuyên biệt và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý.

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-tham-phan-khong-duoc-kiem-nghiem-lam-chanh-van-phong-o-tand-cap-huyen-post824983.html