Đề xuất thành lập ban điều phối phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Theo TS Trần Hữu Hiệp Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, sản phẩm tour, tuyến trong vùng còn bị cắt khúc chưa mang tính kết nối; chưa có cơ chế liên kết vùng về du lịch…

Ngày 29-3, tại Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Sở VHTT&DL TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL”.

 Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, trong năm 2023, TP đón trên 5,9 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 5.400 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.

Theo Phó Chủ tịch Cần Thơ, cùng với các địa phương trong vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của TP.

“Tuy nhiên, ngành du lịch TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương…” – Phó Chủ tịch Cần Thơ cho hay.

 PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đã gợi ý năm vấn đề cần thảo luận.

Trong đó, đáng chú ý như về sản phẩm du lịch, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù, chỉ rõ những đặc trưng cơ bản, những thế mạnh cần phát huy trong thời gian tới; đánh giá thực trạng vấn đề xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch hiện nay; phân tích lợi thế, tiềm năng, cơ hội và thách thức trong kinh doanh lữ hành.

Từ đó, tạo sự kết nối giữa đơn vị quản lý, doanh nghiệp lữ hành và điểm đến du lịch, bảo đảm nâng cao hiệu quả các chương trình tour, tuyến du lịch và trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL…

 TS Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

TS Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Phát biểu tham luận tại hội thảo, TS Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL đặt vấn đề về liên kết trong du lịch. Theo đó, ông cho rằng sản phẩm tour, tuyến trong vùng còn bị cắt khúc chưa mang tính kết nối; hạ tầng du lịch cũng chưa thấy sự liên kết; chưa có cơ chế liên kết vùng ở góc độ du lịch, mới chỉ là sự nỗ lực của các địa phương…

Từ đó, TS Hiệp đề xuất các giải pháp như thành lập ban điều phối phát triển du lịch ĐBSCL; hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ĐBSCL để thu hút các nguồn lực cho phát triển du lịch; xây dựng môi trường du lịch ĐBSCL hấp dẫn hơn; đầu tư hạ tầng tương xứng với tiềm năng; quan tâm nâng chất nguồn nhân lực, tạo thương hiệu cho du lịch vùng…

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Ở góc nhìn của đơn vị lữ hành, bà Lê Đình Minh Thy – Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ đánh giá, ĐBSCL là vùng có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đặc trưng, vùng sản xuất nông nghiệp trù phú… Với sự đầu tư nhất định về hạ tầng giao thông mang tính kết nối đã tạo thuận tiện cho việc di chuyển từ các vùng đến ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo bà Thy, ngành du lịch của khu vực vẫn còn những tồn tại như việc lắng nghe cảm nhận của du khách khi trải nghiệm sản phẩm đặc thù của địa phương còn hạn chế. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn cảnh quan môi trường du lịch còn yếu.

Cạnh đó, việc làm mới sản phẩm du lịch của vùng còn chậm so với các vùng và chưa giữ chân được du khách. Việc xúc tiến quảng bá hiệu quả chưa có sự đo lường cụ thể.

Đường hàng không – sân bay Cần Thơ dù là cảng quốc tế nhưng đến nay không có đường bay quốc tế; từ bảy đường bay nội địa chỉ còn bốn cũng làm hạn chế lượng khách các vùng miền đến với ĐBSCL…

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-thanh-lap-ban-dieu-phoi-phat-trien-du-lich-dong-bang-song-cuu-long-post782763.html