Đề xuất thành lập cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện về nhà ở xã hội
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và chọn lọc các giải pháp thành công ở nước ngoài, như có thêm các giải pháp hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư khi xây dựng nhà ở xã hội, hoặc xem xét thành lập cơ quan chuyên trách quản lý về nhà ở xã hội.
Thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Đơn cử như phê duyệt đề án “Đầu từ xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030”, hoặc đưa ra gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội.
TS Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, để thực hiện mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Việt Nam có thể tham khảo một số mô hình đã thành công ở nước ngoài.
Ví dụ tại Singapore, Chính phủ nước này đã giao nhiệm vụ cho 1 đơn vị duy nhất chuyên trách là Ủy ban Phát triển Nhà ở, thuộc Bộ Phát triển Quốc gia. Đây là tổ chức đứng ra cho người dân vay với mức ưu đãi và hạn mức lên đến 85% tổng giá trị căn hộ.
“Nếu người dân mua căn hộ có giá trị 300.000 đô Singapore thì tổ chức này có thể cho vay lên đến 255.000 đô Singapore”, ông Bình nói.
Ngoài ra, để người dân có thể mua nhà ở xã hội, Chính phủ cung cấp các khoản vay sao cho mỗi tháng người dân chỉ phải trích dưới 20% thu nhập để trả tiền mua nhà.
Cũng theo ông Bình, tại Singapore còn áp dụng hệ thống tiết kiệm bắt buộc với tên gọi “Quỹ Phòng xa Trung ương để giúp cho người mua nhà ở xã hội tránh được những khoản nợ lớn khi được các khoản nợ một cách đều đặn với chi phí tài chính thấp.
Nguồn tiền của hệ thống tiết kiệm từ các khoản đóng góp bắt buộc của người lao động, công chức và người sử dụng lao động, trong đó: người sử dụng lao động đóng 14%/tháng và người lao động, công chức thu nhập thấp phải đóng 20%/tháng.
“Theo hệ thống này, một người mua nhà ở trong tương lai phải tiết kiệm được một khoản tiền nhất định đã ghi trong hợp đồng vay vốn, trước khi người đó được phép vay tiền với lãi suất thấp hơn lãi suất trên thị trường”, ông Bình nói.
Hoặc như tại New Zealand, Chính phủ nước này đã phát triển nhà ở xã hội dưới dạng nhà ở thuê dành cho người không thể thuê nhà ở tư nhân và Chính phủ sẽ hỗ trợ trả một phần tiền thuê nhà.
Trong đó, Chính phủ New Zealand phân cấp nhà ở từ mức độ trợ cấp từ cấp độ 1 đến 6. Cấp độ 1 (nhà khẩn cấp) và 2 là nhà ở xã hội. Cấp độ càng thấp càng được ưu tiên.
Hoặc như tại Thái Lan, từ năm 1973, Chính phủ nước này đã thành lập cơ quan Nhà ở Quốc gia, phối hợp với Ngân hàng Nhà ở Chính phủ nhằm triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người già, người ốm yếu, cho các đôi vợ chồng trẻ và những người có thu nhập thấp đến trung bình.
Ngân hàng Nhà ở Chính phủ (GHB) có 50 tỷ baht vốn cho vay để mua nhà ở xã hội. Mỗi khoản vay mua nhà ở xã hội không quá 1 triệu baht (khoảng 700 triệu đồng). Những người có thu nhập chỉ 25.000 baht/tháng có thể sở hữu nhà theo chương trình vay thế chấp và hàng tháng chỉ phải trả 3.600 baht.
Những người có thu nhập hơn 25.000 baht/tháng cũng được hưởng lợi từ Đề án với mức lãi suất cố định 3% cho khoản vay 1 triệu baht trong 3 năm đầu tiên.
Doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội tư nhân được Chính phủ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng thấp hơn 2-3% so với lãi vay thương mại.
“Như vậy, cùng với chính sách khuyến khích tư nhân tham gia tạo lập và cung cấp nhà ở xã hội, Chính phủ Thái Lan trực tiếp tham gia kiến tạo, bán nhà ở xã hội cho những đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội Thái Lan”, ông Bình nói.
Song song với Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, Thái Lan cũng tập trung phát triển nhà ở vừa túi tiền chủ yếu thông qua doanh nghiệp tư nhân nhưng có sự tham gia của Chính phủ.
Trước nhu cầu cấp thiết về nhà ở, ông Bình cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và chọn lọc các giải pháp thành công ở nước ngoài, như có thêm các giải pháp hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư khi xây dựng nhà ở xã hội, hoặc xem xét thành lập cơ quan chuyên trách quản lý về nhà ở xã hội.
“Hiện nay, tại Việt Nam chưa có cơ quan chuyên trách chỉ quản lý duy nhất đối với loại hình nhà ở xã hội mà đang giao cho Bộ Xây dựng. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý cũng như phát triển hiệu quả các mô hình phát triển nhà ở xã hội, nên xem xét thành lập cơ quan chuyên trách quản lý về nhà ở xã hội để trao quyền toàn diện, giao trách nhiệm xứng tầm với nhiệm vụ”, ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bình, Việt Nam cũng cần xây dựng chính sách thiết thực thu hút tư nhân tham gia xây dựng nhà ở vừa túi tiền thông qua thủ tục hành chính, ưu đãi về vốn, lãi suất,...
“Chỉ riêng nhà ở xã hội rất khó có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp đến trung bình. Nhà ở vừa túi tiền cần sớm đóng vai trò chính trên thị trường nhà ở nước ta”, ông Bình nói.