Đề xuất thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh
Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan không chỉ diễn ra trong các lĩnh vực âm nhạc, văn học, điện ảnh…mà đối với các tác phẩm nhiếp ảnh cũng ngày một gia tăng. Điều này đã gióng lên hồi chuông về sự xâm phạm bản quyền tác phẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sáng tạo của các nghệ sĩ.
Bức tranh sơn dầu “Biển chết” của họa sỹ Nguyễn Nhân phóng tác lại bằng bút pháp hội họa từ bức ảnh tư liệu “Điêu đứng vì biển chết” của nhà báo Thành Quang.
Bức tranh cổ động “Đảng là cuộc sống của tôi” của tác giả Nguyễn Trung Kiên gần như sao chép y nguyên ý tưởng, bố cục của bức ảnh “Nụ hôn của gió” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Long.
Bức ảnh có tên “Ruminant” của ông Bùi Vy Vân được cắt cúp, thêm bớt các chi tiết từ bức ảnh “Sắc phục Chăm” của nhiếp ảnh gia Đỗ Hữu Tuấn…
Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều các trường hợp vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh khi có những sự sao chép, bắt chước mà không được sự đồng ý của chủ thể tác phẩm gốc. Điều đáng báo động là hiện tượng vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh không chỉ diễn ra riêng lẻ ở một vài nơi, trên một vài tờ báo hay ấn phẩm... mà là hiện tượng phổ biến, diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên nhiều lĩnh vực.
Trong các mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và nhiều nước cũng đã có những bản ghi nhớ trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan; cũng như có các chương trình giao lưu, trao đổi thông tin kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp cụ thể, sáng tạo, phù hợp với bối cảnh thực tiễn về bảo hộ quyền tác giả, đặc biệt là đối với các tác phẩm nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật dễ bị vi phạm bản quyền và cũng khó phân định đúng sai khi có vi phạm xảy ra, vì vậy chính các nhiếp ảnh gia cần tự bảo vệ các sản phẩm sáng tạo của mình, tăng cường ứng phó với hành vi vi phạm bản quyền đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Thực hiện : Linh Chi - Anh Tuấn