Đề xuất thanh toán BHYT cho điều trị vô sinh, hiếm muộn

GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng cần có chủ trương, đổi mới chính sách, từng bước thanh toán bảo hiểm y tế cho các cặp vợ chồng điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Tình trạng vô sinh, hiếm muộn tác động trực tiếp tới mức sinh

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, nhận định tình trạng vô sinh hiếm muộn ở nước ta ngày càng gia tăng, cao hơn mức thống kê 7,7% cách đây vài năm. Điều này do nhiều yếu tố như lối sống, tình trạng lập gia đình muộn, có con muộn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ XXI. Tại hội nghị quốc tế chuyên đề nâng cao tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản diễn ra ngày 7-8/9, Giáo sư Tiến đánh giá Việt Nam đang đối mặt với thách thức mức sinh ngày càng thấp, trong khi tỉ lệ vô sinh lại ở mức cao.

“Muốn duy trì được mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng phải sinh ít nhất 2 con. Nhưng hiện nay, nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, Hà Nội, không đạt. Nguy cơ suy giảm dân số là hiện hữu”, ông Tiến nói.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam. Ảnh: T.Thanh

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam. Ảnh: T.Thanh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hồi tháng 6/2023, mỗi phụ nữ ở TPHCM chỉ sinh 1,32 con, trong khi ở Hà Nội là 1,88 con, thấp nhất từ trước tới nay. Trên cả nước, con số này là 1,96.

Tình trạng vô sinh, hiếm muộn tác động trực tiếp tới mức sinh của mỗi địa phương (nhất là khu vực đô thị) và tổng thể dân số cả nước. Do đó, theo ông Tiến, nếu không nhìn nhận, thảo luận những giải pháp can thiệp, hỗ trợ ngay từ bây giờ, tương lai sẽ gặp nhiều hệ lụy.

Ở Việt Nam, xu hướng kết hôn của người trẻ ngày càng muộn, trong khi kết hôn muộn làm giảm khả năng có thai. Áp lực cuộc sống, chăm sóc con cái, chi phí học tập… khiến nhiều người tính toán, cân nhắc việc sinh con. Nhiều người chỉ muốn sinh con khi đã có điều kiện đầy đủ như có nhà, có xe. "Khi đạt được điều kiện đó rồi, người phụ nữ lại có tuổi, ảnh hưởng tới khả năng sinh con”, ông Tiến nói.

Giá dịch vụ hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam cao so với thu nhập của hầu hết người dân

Trình độ điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam được đánh giá tương đương các nước trong khu vực, kỹ thuật phát triển rất nhanh. Theo Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, nước ta hiện có hơn 50 trung tâm hỗ trợ sinh sản, có thể đáp ứng nhu cầu điều trị của người vô sinh, hiếm muộn.

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), thực hiện IVF ở Việt Nam đạt mức thành công cao, tới 60% số ca chu kỳ IVF có thai lâm sàng. Tuy nhiên, điều thách thức là giá dịch vụ còn cao so với thu nhập của hầu hết người dân.

“Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, khao khát có con nhưng không thể thực hiện do vấn đề kinh phí”, ông Tiến nêu thực trạng. Hiện, một số quốc gia chi trả BHYT cho kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Ví dụ, Pháp cho phép làm 4 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm miễn phí. Tại Việt Nam, chi phí thực hiện hỗ trợ sinh sản đều do các cặp vợ chồng chi trả. Đây là vấn đề khó khăn với rất nhiều cặp vợ chồng.

Do đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng cần có chính sách, chủ trương, đổi mới trong thanh toán BHYT để từng bước đáp ứng nguyện vọng điều trị vô sinh hiếm muộn của người dân, đồng thời góp phần duy trì, ổn định chất lượng và số lượng dân số.

“Việc này không thể thực hiện trong ‘ngày một ngày hai’ do Quỹ BHYT chỉ có mức độ, vì vậy nên làm từng bước”, ông chia sẻ. Đơn cử, các cặp vô sinh, hiếm muộn có bệnh liên quan như mổ u xơ tử cung, u buồng trứng hay các bệnh lý bất thường nhưng chưa cần can thiệp kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, BHYT nên thanh toán. Khi quỹ bảo hiểm đạt mức tốt hơn thì thanh toán cả những kỹ thuật điều trị vô sinh.

Công nghệ hỗ trợ sinh sản bao gồm nhiều phương pháp khác nhau, từ thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tử tương noãn đến trữ đông noãn và phôi. Đại diện Merck Healthcare Châu Á Thái Bình Dương cho biết những thông tin liên quan kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị này sẽ đóng góp đáng kể cải thiện sức khỏe sinh sản cho các bệnh nhân, góp phần giải quyết những thách thức chính trong chăm sóc sức khỏe của quốc gia.

Năm 2023, Bộ công cụ chính sách can thiệp thực tiễn mức sinh cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được công bố, giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tham khảo, xem xét, nghiên cứu, đánh giá tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. Bốn nhóm chính sách được đề cập trong bộ công cụ này là: Chăm sóc trẻ em; Chính sách tại nơi làm việc; Ưu đãi tài chính và Hỗ trợ sinh sản.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-thanh-toan-bhyt-cho-dieu-tri-vo-sinh-hiem-muon-2319455.html