Đề xuất tháo dỡ đập ngăn mặn giải 'cơn khát' cho 1,1 triệu dân chỉ sau hơn một tháng 'hợp long'
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang đề xuất UBND tỉnh tháo dỡ đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành sau hơn một tháng dự án 'hợp long'. Đây là dự án ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân ở Tiền Giang và Long An.
Đập ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Ảnh: Trung Chánh
Theo đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang kiến nghị UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tháo dỡ đập thép nêu trên.
Thời gian thực hiện tháo dỡ được Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tim kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang đề xuất là từ ngày 8-4 và sẽ thực hiện trong vòng 15 ngày, tức sẽ hoàn thành vào ngày 23-4-2022.
Cơ sở để đưa ra đề xuất nêu trên, theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm hiện nay, độ mặn trên tuyến sông Tiền đạt mức cao nhất năm 2022; độ mặn cao nhất đo được là 0,15 gam/lít đã xâm nhập sâu đến cầu Xoài Hột cách cửa sông 51 km vào ngày 3-3, thấp hơn 0,38 gam/lít so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 5,97 gam/lít so với cùng kỳ năm 2020, nhưng cao hơn 0,15 gam/lít so với cùng kỳ năm 2016 và đang có xu hướng giảm dần.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết, đến sáng ngày 31-3 vừa qua, độ mặn tại cống Vàm Giồng đo được là 2 gam/lít; tại bến đò Hòa Định là 1,4 gam/lít; tại cống Xuân Hòa là 0,36 gam/lít; tại vườn Hòa Lạc Hồng là 0 gam/lít và đến giữa tháng 4-2022 này, độ mặn khả năng không còn ảnh hưởng đến các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang (đầu tư đập ngăn mặn kênh Nguyễn Tấn Thành để bảo vệ các huyện phía Tây của Tiền Giang- PV).
Trong khi đó, theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, độ mặn trên sông Tiền đang có xu hướng giảm dần, từ cuối tháng 3-2022 đến đầu tháng 4-2022 còn một đợt xâm nhập mặn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn và không lấn sâu như đợt xâm nhập mặn từ ngày 16 đến 21-3 vừa qua và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái; biên độ mặn 1 gam/lít có khả năng xâm nhập sâu từ 35-45 km (từ Bình Ninh đến Tân Mỹ Chánh), tức chưa đến vị trí của đập ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành.
Chính những lý do nêu trên, cho nên, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang đề xuất tháo dỡ đập Nguyễn Tấn Thành. Tuy nhiên, điều đáng nói, dự án với tổng mức đầu tư khoảng hơn 10 tỉ đồng này chỉ mới được “hợp long” cách nay hơn một tháng (ngày 24-2-2022) sau khoảng 18 ngày thi công.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, trước khi triển khai dự án nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đưa ra dự báo, xâm nhập mặn trên sông Tiền ở tỉnh Tiền Giang sẽ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm.
Theo đó, từ ngày 7-2 trở đi, xâm nhập mặn trên sông Tiền cao dần, đặc biệt là từ ngày 13 đến 17-2, xâm nhập mặn tăng cao trùng với kỳ triều cường rằm tháng Giêng, khiến độ mặn khoảng 4 gam/lít có khả năng xâm nhập sâu 50-55 km. Dự báo cuối tháng 2, đầu tháng 3-2022, độ mặn 1 gam/lít sẽ xâm nhập tới vàm kênh Nguyễn Tấn Thành.
Chính vì vậy, tỉnh Tiền Giang yêu cầu thi công đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành phải hoàn thành trước ngày 25-2.
Tuy nhiên, như nêu ở trên, diễn biến tình hình xâm nhập mặn năm nay không đáng lo ngại, cho nên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang đề xuất tháo dỡ đập. Điều này, có thể thấy, việc đầu tư đập thép Nguyễn Tấn Thành trong mùa khô năm nay là không hiệu quả.
Trung Chánh