Đề xuất tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn
Việc các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho một số doanh nghiệp lớn sẽ tạo niềm tin và cú hích cho thị trường bất động sản. Đây là thông tin ghi nhận từ cuộc họp giữa các doanh nghiệp bất động sản lớn ở phía Nam, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) với đại diện Chính phủ, Bộ Xây dựng tại Văn phòng Chính phủ ở TPHCM ngày 8-11.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), giải pháp lớn nhất, bao quát nhất và có tính quyết định nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Tuy nhiên, quá trình này dự kiến đến 2023 mới hoàn tất. Do đó, trong lúc này, cần có các giải pháp cấp bách hơn.
HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn để thí điểm tập trung tháo gỡ cho khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý phải dừng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, dừng thực hiện thi công, dừng các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng, qua đó tạo niềm tin và cú hích cho thị trường.
Ông Châu cho rằng cần sớm có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, đất do cổ phần hóa hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay, hoặc do thực hiện công tác rà soát pháp lý.
Với phân khúc nhà ở xã hội, hiệp hội đề nghị các tỉnh thực hiện nhanh, thông thoáng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất, không yêu cầu phải phù hợp 100% quy hoạch 1/2000. Còn các dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 quy định nghĩa vụ dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trước ngày 1/4/2021 nên được tiếp tục thực hiện mà không cần phê duyệt lại.
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp về cả tín dụng lẫn trái phiếu.
Trong báo cáo tóm tắt cho cuộc họp, Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong triển khai dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý, đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tình sử dụng đất.
Bên cạnh những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, doanh nghiệp cũng phải chịu sức ép chi phí khi lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng đều tăng cao.
“Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, hoãn đầu tư, thi công một số dự án, dừng triển khai dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO… Một số phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động”, Bộ Xây dựng cho biết.
Còn theo ghi nhận của HoREA, có doanh nghiệp còn phải vay vốn ngoài xã hội như tín dụng đen với lãi suất rất cao để giải quyết nguồn vốn.
Một số doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh biểu hiện qua việc dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, phát hành cổ phiếu tăng vốn và IPO. Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Một số phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương, tác động đến cuộc sống người lao động.
Theo báo cáo, năm 2023-2024, ước tính có khoảng 790.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là áp lực không hề nhỏ, cần lưu ý để xử lý thỏa đáng. Theo đó, rất cần cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo điều kiện để thị trường vốn này vận hành thông suốt. Mặt tích cực hiện nay là doanh nghiệp đang nỗ lực mua lại trái phiếu trước thời hạn lên đến 142.000 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022 để giảm rủi ro cho nhà đầu tư
Về hàng tồn kho đến tháng 6 của 45 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, ghi nhận khoảng 273.373 tỉ đồng, chiếm quá nửa giá trị tài sản. Điều đáng quan ngại đối với hàng tồn kho thuộc các dự án dở dang, nên cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để giải tỏa nút thắt này.
Người đại diện HoREA cho rằng để tháo gỡ các khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản cần Chính phủ và nhiều bộ ngành thực hiện đồng bộ giải pháp. Giải pháp lớn nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính thống nhất để phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững.
Kế đến là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhất là các doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, có dự án đảm bảo yếu tố pháp lý.
Tổng hợp
Y.M - T.T