Đề xuất thêm đối tượng nợ thuế bị cấm xuất cảnh

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo 1 luật sửa đổi, bổ sung 7 luật, trong đó có Luật Quản lý thuế. Trong nội dung Luật này, Bộ Tài chính đề xuất, bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Nâng cao hiệu quả thu nợ thuế

Về vấn đề liên quan đến hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh, theo Bộ Tài chính, quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế, “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức và cá nhân. Do đó việc tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ thể này như quy định tại khoản 1 Điều 66 là không phù hợp với thực tiễn.

Luật Quản lý thuế đã tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế để phòng chống trốn thuế, nợ đọng thuế. Ảnh: Tư liệu minh họa.

Luật Quản lý thuế đã tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế để phòng chống trốn thuế, nợ đọng thuế. Ảnh: Tư liệu minh họa.

Cùng với đó, việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện đối với các chủ thể là cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp thuế (gồm: chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh), chứ không chỉ áp dụng riêng đối với cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như quy định tại khoản 7 Điều 124.

Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 với vai trò là trung tâm, hạt nhân của khuôn khổ pháp lý quản lý thuế đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/6/2019, gồm 17 chương, 152 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 (thay thế cho Luật Quản lý thuế số 78/2006/ QH11 và các Luật sửa đổi, bổ sung).

Do đó, tại dự thảo 1 luật sửa 7 luật, trong đó có Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 66 về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh và bỏ quy định khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế nhằm nâng cao hiệu quả thu nợ thuế, thực hiện thống nhất.

Cụ thể: Đưa đối tượng cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế vào khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế cho thống nhất, đồng thời bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Trêm thực tế, tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.

Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Tuy nhiên, các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải cưỡng chế thu hồi. Lãnh đạo cơ quan thuế từng khẳng định quyết định tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra dựa trên quy trình chặt chẽ, cân nhắc hồ sơ từng trường hợp.

Qua thống kê của Bộ Tài chính, cả nước hiện có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế.

Chỉ trong vòng nửa đầu năm, Tổng cục Thuế đã ban hành hơn 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Toàn ngành thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này. Mức này bằng 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế trong nửa đầu năm (2.700 tỷ đồng).

Ngoài tạm hoãn xuất cảnh, ngành Thuế áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nợ như kê biên tài sản, thu qua bên thứ ba với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Cơ quan thuế đưa ra 174.500 quyết định cưỡng chế thuế trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, gần 87% là quyết định cưỡng chế trích tiền, phong tỏa tài khoản, hơn 13% còn lại là thu hồi nợ thuế qua hóa đơn, giấy chứng nhận kinh doanh và kê biên tài sản.

Sửa Luật cho phù hợp thời cuộc

Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 với vai trò là trung tâm, hạt nhân của khuôn khổ pháp lý quản lý thuế đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/6/2019, gồm 17 chương, 152 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 (thay thế cho Luật Quản lý thuế số 78/2006/ QH11 và các Luật sửa đổi, bổ sung).

Ngành Thuế đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Ảnh: Tư liệu minh họa.

Ngành Thuế đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Ảnh: Tư liệu minh họa.

Luật Quản lý thuế đã tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế nhằm cải cách hành chính, trong đó có cải cách tài chính công, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế để phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế.

Luật cũng đã tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng quy mô đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động trong quá trình hình thành các tổ chức hợp tác, hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, tạo thuận lợi để mở rộng cơ sở nộp thuế.

Qua 4 năm thực hiện, toàn ngành Thuế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tập trung rà soát quy trình, quy chế, đơn giản hóa thủ tục; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, đã thực hiện tốt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Quản lý thuế cũng bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc như: thể chế quản lý thuế còn một số nội dung chưa bắt kịp đòi hỏi của thực tiễn, còn phức tạp và thiếu đồng bộ.

Ngoài ra, tính đồng bộ của pháp luật thuế, pháp luật quản lý thuế với hệ thống các chính sách pháp luật khác có liên quan còn bộc lộ một số bất cập do sự điều chỉnh liên tục cho phù hợp với các yêu cầu và bối cảnh mới.

Do đó, theo Bộ Tài chính, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế, Luật Quản lý thuế hiện hành cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn công tác quản lý thuế và xu hướng phát triển trong trong tình hình mới./.

Một số biện pháp cưỡng chế thuế không còn phù hợp

Một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuế như: biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên còn gặp nhiều khó khăn do cơ quan thuế không có bộ phận chuyên trách, không có chức năng định giá, đấu giá tài sản nên khó thực hiện. Ngoài ra, cũng không có đủ thông tin về tài sản, khó đánh giá về giá trị tài sản, liên quan đến nhiều bộ luật và cần sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng khác.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-xuat-them-doi-tuong-no-thue-bi-cam-xuat-canh-158179.html