Đề xuất thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ lợi ích công
Dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công dự kiến triển khai trong 3 năm, từ ngày 1/1/2026.
Thí điểm 3 năm tại 6 tỉnh, thành phố
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 19/5, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình.
Theo dự thảo Nghị quyết, vụ án dân sự công ích là vụ án dân sự do Viện kiểm sát khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công khi không có cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khởi kiện.
Trong đó, 6 nhóm dễ bị tổn thương gồm: Trẻ em; người cao tuổi; người khuyết tật; phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người mất năng lực hành vi dân sự; người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
4 lĩnh vực lợi ích công (lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước) gồm: Tài sản công, đầu tư công; Đất đai, môi trường, tài nguyên khác; An toàn thực phẩm, dược phẩm; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dự thảo Nghị quyết đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của VKSND trong việc tiếp nhận, thu thập, thụ lý thông tin về vi phạm; các biện pháp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh vi phạm; thông báo cho các chủ thể có liên quan; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện.
Quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp với VKSND để bảo đảm thực hiện quyền khởi kiện; trách nhiệm của các tổ chức giám định tư pháp, định giá… hỗ trợ VKSND trong thu thập chứng cứ để chứng minh vi phạm và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Quy định nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định của pháp luật trong việc trả lời cho VKSND về việc thực hiện quyền, trách nhiệm khởi kiện.
Ngoài ra, cũng quy định trong các vụ án dân sự công ích, bị đơn không có quyền đưa ra yêu cầu phản tố và không được hòa giải.
Nghị quyết dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và được thực hiện trong 3 năm tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk. Đây là 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp theo Nghị quyết 60 nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.
Tránh dân sự hóa quan hệ hình sự, hành chính
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết,Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về cách xác định phạm vi 6 nhóm dễ bị tổn thương và 4 lĩnh vực lợi ích công thuộc diện được VKSND thí điểm khởi kiện vụ án dân sự.
Tuy nhiên, cơ chế này không được chồng chéo, mâu thuẫn với các biện pháp bảo vệ theo pháp luật hiện hành. Đặc biệt là cần loại trừ khả năng dẫn tới tình trạng "dân sự hóa" quan hệ hình sự, hành chính, làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và xử lý vi phạm pháp luật.
Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn các trường hợp khởi kiện; rà soát, phân loại chính xác hành vi trước khi khởi kiện, phối hợp với tòa án để xác định đúng phạm vi vụ án dân sự; bổ sung nguyên tắc nhằm tránh việc dân sự hóa quan hệ hình sự, hành chính; trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Tiếp tục nghiên cứu bổ sung nguyên tắc VKSND chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của các chứng cứ, tài liệu mà mình cung cấp cho tòa án; quy định rõ tư cách pháp lý của VKSND (là nguyên đơn hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự) khi thực hiện khởi kiện.