Đề xuất thời gian nghỉ hưu theo năm đóng BHXH

Một số bộ, ngành đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu việc nghỉ hưu theo năm đóng BHXH và cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu thấp hơn quy định năm năm.

Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và người dân, Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, tiếp tục bảo lưu quan điểm về điều kiện và mức hưởng lương hưu.

Tham gia BHXH dài được nghỉ hưu sớm?

Theo quy định hiện hành, nam muốn hưởng lương hưu tối đa 75% phải đóng đủ 35 năm BHXH, còn nữ phải đóng đủ 30 năm. Thời gian đóng vượt mốc sẽ được tính để trả tiền một lần khi nghỉ hưu (lương hưu vẫn hưởng mức tối đa).

Tuy nhiên, mới đây BHXH Việt Nam đề xuất bổ sung vào dự luật điều kiện hưởng lương hưu theo hướng: Nữ đóng BHXH đủ 30 năm, nam đủ 35 năm trở lên, khi có yêu cầu được nghỉ và hưởng lương hưu thấp hơn tối đa năm tuổi so với tuổi quy định chung (không bị trừ tỉ lệ lương hưu). Tức thời gian nhận lương hưu căn cứ vào năm đóng nhưng không được vượt so với tuổi nghỉ hưu năm năm.

Đề xuất trên, theo BHXH Việt Nam, phù hợp với nội dung cải cách là giảm quyền lợi hưởng một lần và tăng quyền lợi cho người lao động (NLĐ) bảo lưu để hưởng chế độ hưu trí. Cạnh đó, tăng tính hấp dẫn của chính sách hưu trí, khuyến khích NLĐ tham gia BHXH sớm, duy trì đóng trong thời gian dài và cân nhắc không rút một lần.

Nhiều lao động trong môi trường nặng nhọc khó có thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Nhiều lao động trong môi trường nặng nhọc khó có thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Thêm vào đó, nữ đóng BHXH trên 30 năm, nam đóng trên 35 năm là nhóm tham gia sớm, thời gian đóng dài, đa số không rút một lần nên xứng đáng được hưởng sớm nếu có yêu cầu.

Thời gian qua, người nghỉ hưu trước tuổi (nhưng không bị trừ tỉ lệ lương hưu) chỉ áp dụng với khu vực nhà nước qua tinh giản biên chế, lao động dôi dư, chính sách cho người không đủ tuổi tái cử, khối lực lượng vũ trang… Chưa áp dụng cho khu vực ngoài nhà nước.

“Nếu áp dụng các quy định trên, tác động không đáng kể đến cân đối quỹ do các trường hợp đủ điều kiện có thời gian đóng BHXH dài. Các khảo sát gần đây cũng cho thấy đa số NLĐ mong được nghỉ hưu sớm. Do đó, giải pháp trên đáp ứng nguyện vọng của nhóm đã đóng BHXH rất sớm và đóng trong thời gian dài” - lãnh đạo BHXH Việt Nam phân tích.

Tuy vậy, Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ quan điểm không đồng thuận đưa đề xuất trên vào dự luật do không phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về tuổi nghỉ hưu, nguyên lý của chế độ hưu trí.

Chưa đồng thuận giảm tuổi hưu giáo viên mầm non

Liên quan đến chế độ hưu trí, Bộ GD&ĐT cho rằng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ khuyến khích người dân đóng BHXH tự nguyện, giảm rút một lần. Tuy nhiên, hạn chế là lương hưu thấp vì nguyên tắc cơ bản là đóng - hưởng.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH bổ sung trường hợp NLĐ là giáo viên (GV) mầm non được nghỉ hưu trước tuổi năm năm mà không bị giảm tỉ lệ lương hưu, giống như đang áp dụng với NLĐ thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại. Lý do là GV mầm non chịu nhiều áp lực, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần.

“GV mầm non khi tuổi càng cao sẽ không còn nhanh nhẹn để bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục, bảo đảm an toàn cho trẻ. Bộ GD&ĐT nhận thấy độ tuổi nghỉ hưu đối với GV mầm non thấp hơn tối đa năm năm so với tuổi quy định là rất phù hợp...” - lãnh đạo ngành giáo dục đề xuất.

Giải trình về đề xuất này, cơ quan soạn thảo bày tỏ không ủng hộ và đề nghị giữ nguyên như dự luật, bởi không phù hợp với định hướng của trung ương về tuổi nghỉ hưu cũng như nguyên lý của chế độ hưu trí.

“Luật BHXH hiện hành và dự thảo luật đã quy định việc nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đề nghị cơ quan quản lý GV mầm non tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đặc thù nghề nghiệp của đối tượng này để xem xét, bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…” - Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng đề xuất của BHXH Việt Nam về hưởng lương hưu theo năm đóng BHXH cần nghiên cứu cẩn trọng, vì việc này chưa đúng nguyên tắc của BHXH và tuổi nghỉ hưu.

Cụ thể, BHXH ngoài nguyên tắc đóng - hưởng còn có nguyên tắc chia sẻ. Thời gian đóng BHXH vượt mức trần, một phần được trả khi nghỉ hưu, một phần được hòa vào quỹ chung để chia sẻ với người đóng thời gian ngắn, mức lương hưu thấp.

Với tuổi nghỉ hưu, định hướng chính sách đang khuyến khích nghỉ hưu muộn (tăng tuổi nghỉ hưu) và đóng BHXH dài hơn, không khuyến khích nghỉ hưu sớm khi còn sức làm việc.

Quan điểm trong Luật BHXH (sửa đổi) lần này là kế thừa quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-thoi-gian-nghi-huu-theo-nam-dong-bhxh-post742967.html