Đề xuất thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu ngành Tài chính
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu giấy hình thành phổ biến trong hoạt động ngành Tài chính.
Theo dự thảo, thời hạn bảo quản hồ sơ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính; hồ sơ ban hành cơ chế tài chính cho các Sở, Trung tâm giao dịch, lưu ký chứng khoán, các quỹ và tổ chức tài chính… là vĩnh viễn.
Thời hạn bảo quản hồ sơ về điều hành lãi suất trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; hồ sơ về xây dựng chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá… là 20 năm.
Thời hạn bảo quản hồ sơ cho ý kiến về đề án phát triển trái phiếu chính quyền địa phương là 10 năm.
Hồ sơ xây dựng, ban hành cơ chế về thuế, phí và lệ phí; hồ sơ xây dựng cơ chế chính sách tài chính đối với các khu kinh tế, khu thương mại, dịch vụ đặc thù; hồ sơ về xây dựng dự toán thu NSNN hàng năm có thời hạn bảo quản vĩnh viễn.
Hồ sơ xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế hướng dẫn về lĩnh vực thuế, phí và lệ phí có thời hạn bảo quản 20 năm…
Căn cứ Thông tư này, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu thuộc lĩnh vực chuyên ngành quản lý. Mức xác định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu không được thấp hơn mức quy định tại bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan chưa được quy định tại Thông tư này thì các đơn vị có thể vận dụng các mức thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu tương ứng để xác định.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có thể áp dụng trực tiếp hoặc làm căn cứ để xây dựng bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu về quản lý tài chính - ngân sách.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.