Đề xuất thu biển số xe vi phạm: Thiếu khả thi
Đề xuất của tỉnh An Giang về việc giữ biển số xe, giấy tờ xe thay cho tạm giữ xe vi phạm khó có thể áp dụng vì trái với pháp luật hiện hành, thậm chí làm phát sinh thêm vi phạm?
Việc UBND tỉnh An Giang gửi văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng tạm giữ biển số xe hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe vi phạm thay vì giữ ôtô, xe máy do vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Nhiều kẽ hở, khó kiểm soát
Liên quan đến đề xuất của lãnh đạo tỉnh An Giang, một lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh này cho biết trước đây, đơn vị này cũng đã có đề xuất với UBND tỉnh An Giang các giải pháp nhằm giảm bớt tình trạng quá tải tại các bãi giữ xe vi phạm. Thế nhưng, trong quá trình nghiên cứu kỹ về luật và nghị định có liên quan thì thấy vẫn còn nhiều vướng mắc. Do đó, để đề xuất mới này mang tính khả thi thì nên nghiên cứu áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.
"Dân mình sử dụng xe không chính chủ khá nhiều nên chắc chắn đề xuất này sẽ vướng một số điều khoản trong Luật Giao thông đường bộ và các nghị định liên quan. Ngoài ra, giả sử xe do đối tượng trộm cắp, nếu giữ biển số thì cũng khó phân biệt được nên những đối tượng này không những không sợ mà còn... rất thích. Do đó, muốn làm theo đề xuất này thì phải sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật" - vị lãnh đạo này nói.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Vĩnh Long, đánh giá đề xuất này còn nhiều vấn đề cần cân nhắc. "Ví dụ một chiếc xe được cấp biển số tỉnh Vĩnh Long, người lái xe này vi phạm tại An Giang, theo đề xuất thì bị giữ biển số hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe. Nhưng người ta lại về Vĩnh Long thông báo đã mất biển số xe hoặc giấy chứng nhận và trong trường hợp thông tin họ vi phạm bị tạm giữ biển số không được cập nhật thì bắt buộc chúng tôi phải cấp lại cho họ trong vòng 1 tháng" - thượng tá Dũng chỉ ra kẽ hở.
Trong khi đó, luật sư Thái Thị Diễm Trúc (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) lo ngại trong quá trình thực hiện theo đề xuất này sẽ phát sinh nhiều phức tạp, khó kiểm soát, nhất là tình trạng làm giả biển số để tiếp tục lưu thông xe vi phạm. "Theo tôi thì đề xuất này của lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chỉ mang tính xử lý tình thế nhằm giải tỏa tình trạng quá tải chỗ giữ xe hoặc lo ngại việc hư hại xe của người vi phạm. Còn trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác" - luật sư Trúc nói.
Trái quy định pháp luật?
Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP HCM, trong năm 2019, các lực lượng chức năng tạm giữ 27.868 phương tiện vi phạm, trong đó ôtô hơn 800, số còn lại là xe máy, xe thô sơ. Mặc dù số lượng lớn nhưng trong năm 2019 việc thanh lý chỉ hơn 108 phương tiện, tức chỉ chiếm gần 0,4% số lượng phương tiện tạm giữ.
Để tránh quá tải, ngoài bãi tạm giữ xe ở các quận, huyện, xe bị tạm giữ lâu sẽ được đưa về bãi tạm giữ xe của Công an TP (tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh). Bãi xe nơi đây vẫn còn rộng, có mái che, bảo đảm được giá trị phương tiện. Thủ tục đấu giá đối với các phương tiện không có người đến nhận thường xuyên diễn ra và không gặp khó khăn.
Đây là lý do mà Công an TP HCM chưa xem xét đến biện pháp tạm giữ biển số xe, giấy tờ xe. Cũng từ thực tiễn quản lý, thượng tá Trần Bửu Tùng, nguyên cán bộ PC08 Công an TP HCM, nhìn nhận đề xuất của tỉnh An Giang là không hợp lý. Bởi lẽ, theo ông Tùng, việc tạm giữ phương tiện nhằm 2 mục đích: Thứ nhất, tăng tính răn đe đối với người vi phạm. Nếu chỉ cần vi phạm và đóng phạt thì sẽ khó nâng cao việc chấp hành tốt các quy định tham gia giao thông. Thứ hai, phục vụ xác minh, tịch thu những phương tiện không bảo đảm kết cấu lưu thông, hay còn gọi là xe "mù", xe "mờ". Nếu bỏ qua 2 mục đích này, tính nghiêm minh của pháp luật sẽ giảm.
Cơ quan chức năng về giao thông của nhiều địa phương khác cũng cho rằng khó có thể áp dụng biện pháp tạm giữ biển số xe vì trái quy định pháp luật. "Theo quy định hiện hành, vi phạm giao thông thường sẽ giữ giấy tờ xe, bằng lái, giữ phương tiện... Trong luật không có danh mục nào nói vi phạm giao thông sẽ giữ biển số xe cả" - trung tá Nguyễn Hồng Hải - Đội trưởng Đội CSGT - TT Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa - nói.
Thượng tá Phan Văn Thương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết thêm theo Luật Giao thông đường bộ, phương tiện vi phạm không nhất thiết phải bị tạm giữ mà có thể được chủ phương tiện bảo lãnh khi đầy đủ các thủ tục liên quan. Bên cạnh đó, đối với phương tiện bị tạm giữ, quá thời gian quy định mà chủ phương tiện không đến làm thủ tục sẽ được tổ chức bán thanh lý. "Nội dung này Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã quy định rõ rồi. Không áp dụng biện pháp này có thể áp dụng biện pháp khác chứ không nhất thiết phải đề xuất thêm điểm mới không phù hợp quy định" - thượng tá Thương nhấn mạnh.
Nhiều nước không giữ biển số xe
Tại một số nước trên thế giới, việc xử lý xe vi phạm chủ yếu áp dụng biện pháp giam xe.
Chẳng hạn, ở New Zealand, tòa án ra quyết định tịch thu và phá hủy phương tiện nếu người vi phạm bị kết tội đua xe đường phố 3 lần trong vòng 4 năm. Tại Úc, tài xế không có giấy phép, đang bị đình chỉ giấy phép, lái xe nguy hiểm, vượt quá tốc độ, gây ra tiếng ồn hoặc khói quá mức, làm mất trật tự đường phố hoặc gây tai nạn đều có thể bị giam xe. Theo trang hỗ trợ pháp lý Legal Aid (Úc), liên quan đến vấn đề sai phạm về giấy phép lái xe, cảnh sát sẽ tịch thu phương tiện trong 28 ngày. Đối với các vi phạm gây rối trật tự trên đường, tòa án có thể yêu cầu phương tiện bị tạm giữ tối đa 6 tháng.
Trung Quốc là một trong những quốc gia châu Á siết chặt các quy định về an toàn giao thông. Đối với trường hợp thay đổi hoặc sử dụng giấy đăng ký xe giả, biển số giả, giấy phép lái xe bất hợp pháp, phương tiện vi phạm sẽ bị cơ quan giao thông tịch thu. Trong khi đó, ở Anh, cảnh sát sẽ giam xe trong trường hợp người điều khiển phương tiện không có giấy tờ và bảo hiểm xe hợp lệ hoặc đậu xe trái phép. Người vi phạm sẽ phải nộp phạt lên đến 200 bảng Anh cùng với phí tạm giam xe 20 bảng Anh/ngày để chuộc xe.
Trong một số trường hợp, ngoài phạt tiền hoặc phạt tù, cảnh sát Pháp sẽ tịch thu xe trong trường hợp người vi phạm vượt quá giới hạn tốc độ hơn 50 km/giờ, nhiều lần tái phạm lỗi lái xe sau khi uống rượu bia, gây tai nạn rồi bỏ chạy, không có bằng lái. Nếu người tham gia giao thông vi phạm bất kỳ trường hợp nào kể trên, phương tiện của họ có thể trở thành tài sản của chính phủ Pháp.
Có thể thấy ở nhiều quốc gia, hình thức tạm giữ biển số xe hay giấy tờ xe không được áp dụng vì không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Xuân Mai
Luật sư VÕ ĐAN MẠCH (Đoàn Luật sư TP HCM):
Trái luật, thêm tiêu cực
Đề xuất tạm giữ biển số xe hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe thay vì giữ xe vi phạm quy định pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ của tỉnh An Giang chưa mang tính khả thi. Thứ nhất, đề xuất này trái với khoản 4 điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cần hiểu khi tạm giữ xe, hành vi vi phạm pháp luật đã bị ngăn chặn, người tham gia giao thông không thể tiếp tục sử dụng phương tiện giao thông đó để lưu hành trên đường cho đến khi hoàn thành quyết định xử phạt.
Thứ hai, nếu chỉ giữ biển số, giấy tờ xe thì có thể tạo điều kiện cho một số hành vi tiêu cực phát sinh, đơn cử như: sản xuất giấy phép lái xe và biển số xe giả... Thứ ba, theo khoản 2 điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngoài việc bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, việc tạm giữ phương tiện có liên quan còn cần để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt trong một số trường hợp. Vì vậy, việc tạm giữ phương tiện tham gia giao thông là một trong những hình phạt chưa thể bãi bỏ và việc giữ biển số xe không thể là biện pháp thay thế.