Đề xuất tính tuổi nghỉ hưu theo từng nhóm ngành nghề
Theo đại diện Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Hà Nội, một trong những kiến nghị của công nhân, người lao động góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi là tính tuổi nghỉ hưu theo từng nhóm ngành nghề.
Tính tới đặc thù công việc
Trả lời phóng viên báo Tin tức, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn lao động TP Hà Nội) cho rằng: Thực tiễn cho thấy, lao động nhiều năm đứng trong dây chuyền, khi ngoài 40 tuổi, sức khỏe bắt đầu giảm. Nhiều người không đáp ứng được cường độ lao động đã bị thải loại sớm và không thể chờ tới 58 - 60 tuổi để được hưởng lương hưu. Sau một năm nghỉ việc, không còn thu nhập, họ tính ngay tới rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Cụ thể, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu của lao động nam mỗi năm tăng thêm ba tháng cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; bốn tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Trước đó, tuổi nghỉ hưu với nam là 60 và 55 với nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu, với lao động trực tiếp, để duy trì là rất khó khăn.
"Nhiều lao động rút BHXH một lần bắt nguồn từ việc tăng tuổi nghỉ hưu, khó lòng chờ, nên điều kiện hưu trí cần sửa đổi phù hợp với từng nhóm. Để thu hút người tham gia BHXH, các chính sách cần linh hoạt, tăng quyền lợi, thay vì dùng biện pháp cứng", ông Tạ Văn Dưỡng cho biết.
Góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, nhiều chủ tịch công đoàn cơ sở và người lao động đã đồng tình với độ tuổi nghỉ hưu mà dự thảo đưa ra; đồng thời đề xuất nên chia độ tuổi nghỉ hưu theo nhóm lao động làm công việc trực tiếp và gián tiếp.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình Nguyễn Bích Thủy cho rằng, đối với ngành da giầy, đến tầm 50 tuổi là sức khỏe, thị lực của người lao động suy giảm nhiều, ảnh hưởng đến công việc (năng suất lao động giảm, độ tỉ mỉ, tinh nhạy, kỹ thuật, thẩm mỹ của sản phẩm kém...). Nếu độ tuổi nghỉ hưu quy định như hiện nay, người lao động sẽ không đáp ứng được yêu cầu - nhất là lao động nữ. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động.
Bà Nguyễn Bích Thủy cho biết thêm, có nhiều lao động đi làm từ rất sớm (từ 18 tuổi) sẽ có số năm đóng BHXH thừa so với quy định (quá 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam tính đến tuổi nghỉ hưu quy định) nhưng chưa đủ tuổi về hưu. Đề nghị dự thảo luật xem xét cho chuyển số năm thừa đóng BHXH bù vào số tuổi còn thiếu theo quy định tuổi về hưu.
Cùng chung đề xuất này, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội Nguyễn Văn Hòa đề nghị: Độ tuổi được nghỉ làm việc hưởng lương hưu của người lao động nên xem xét áp dụng cụ thể cho nhiều đối tượng người lao động khác nhau. Nên giữ nguyên độ tuổi được nghỉ hưởng lương hưu đối với nam 60 tuổi và nữ là 55 tuổi với đối tượng là người lao động làm công việc trực tiếp.
"Trong thời gian làm việc, lao động làm công việc trực tiếp đã suy giảm rất nhiều về sức khỏe, nên ngoài tuổi 60 đối với nam và 55 đối với nữ sẽ không đủ sức khỏe thể đáp ứng được yêu cầu công việc, cũng như hoàn thành công việc được giao. Chỉ nên áp dụng 62 tuổi đối với nam, 60 đối với nữ dành cho đối tượng người lao động làm công việc gián tiếp; 65 - 67 tuổi đối với người có học hàm Giáo sư, Tiến sỹ, cán bộ lãnh đạo cao cấp”, ông Nguyễn Văn Hòa đề xuất.
Tạo điều kiện cho người tham gia BHXH muộn hưởng lương hưu
Đồng tình với việc nên giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội Nguyễn Văn Hòa lý giải, điều này sẽ tạo được cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn khi đã ngoài 40 tuổi mới tham gia BHXH hoặc những người tham gia BHXH không liên tục, khi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.
Để bảo đảm công bằng trong cách tính lương hưu giữa người lao động ở khu vực ngoài nhà nước với người lao động trong đơn vị nhà nước, ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng, cần xem xét, điều chỉnh cách tính lương hưu đối với người lao động khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước theo lộ trình tương tự như người lao động làm trong các đơn vị Nhà nước. Hiện nay lương hưu của người lao động khu vực nhà nước lại được tính bình quân lương của các mốc thời gian 5, 6, 8, 10... năm liền kề trước khi nghỉ hưu; còn người lao động động khối doanh nghiệp ngoài nhà nước lại được tính theo trung bình cả quá trình công tác là có sự chênh lệch về chế độ.
Liên quan đến việc cho lao động nghỉ trước tuổi, theo đại diện Công đoàn Hà Nội, ngoài những doanh nghiệp khó khăn đơn hàng thực sự, không loại trừ một số nhà máy dựa vào lý do này cắt giảm lao động trên 35 tuổi để tuyển công nhân trẻ hơn vào dây chuyền.
Ông Tạ Văn Dưỡng phân tích, quy định về cắt giảm lao động hiện khá đơn giản, chỉ cần một đề án sắp xếp lại sản xuất là doanh nghiệp có thể thải loại hàng nghìn lao động và nhóm đầu tiên nhắm đến luôn là công nhân lớn tuổi. Vì thế, cần xem xét lại lý do doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng lớn có đúng do mất đơn hàng, chịu ảnh hưởng của suy thoái hay không. Nếu luật không quy định chặt chẽ thì chủ sử dụng lao động rất dễ lách.
"Từ thực tế lấy ý kiến công nhân, công đoàn viên tại cơ sở cho thấy họ rất quan tâm đến các chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian đóng để hưởng và tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó là việc xử lý tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT", ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết.