Đề xuất trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND.
Theo Bộ Nội vụ, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã quy định về việc đại biểu HĐND khi không còn sự tín nhiệm của nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm.
Tuy nhiên trên thực tế, khi có trường hợp đại biểu vi phạm nghiêm trọng thì các địa phương thường đưa ra HĐND bãi nhiệm. Việc cử tri bãi nhiệm đại biểu chưa được thực hiện do chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và cách thức tiến hành.
Do đó, Bộ Nội vụ cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND là cần thiết để bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo đó, khi xét thấy đại biểu không còn tín nhiệm thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi văn bản đề nghị Thường trực HĐND cùng cấp xem xét, quyết định đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu. Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri bãi nhiệm và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp đang bị tước quyền bầu cử.
Hội nghị cử tri sẽ được tổ chức chậm nhất 15 ngày trước bỏ phiếu để thông báo và trao đổi, thảo luận về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND. Người bị đề nghị bãi nhiệm có thể tham dự và trình bày ý kiến, trừ trường hợp đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Đại biểu bị đưa ra cử tri bãi nhiệm chấm dứt nhiệm vụ kể từ thời điểm Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu bãi nhiệm có hiệu lực thi hành.
Bộ Nội vụ đưa ra hai phương án xác định kết quả bỏ phiếu bãi nhiệm để xin ý kiến Chính phủ. Đó là đại biểu bị bãi nhiệm khi có ít nhất hai phần ba hoặc quá nửa tổng số phiếu hợp lệ của cử tri ở đơn vị bãi nhiệm đồng ý.
Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án "ít nhất hai phần ba" vì theo quy định hiện hành, đại biểu bị HĐND bãi nhiệm khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu biểu quyết tán thành.