Đề xuất 'trường hợp đặc biệt' ở lại sàn chứng khoán dù lỗ 3 năm liên tiếp
Quy định về hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc được đề xuất bổ sung thêm nội dung 'Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định'.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố việc lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Dự thảo đề xuất bổ sung quy định mới về "Hủy bỏ niêm yết bắt buộc" (Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP).
Cụ thể, Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định: Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp: Tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 1 năm trở lên; Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng…
Dự thảo đề xuất bổ sung quy định: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".
Ngoài ra, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về Điều khoản chuyển tiếp.
Theo đó, trong thời hạn 5 năm (thay cho thời hạn 3 năm quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP) kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm phải được triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Trong thời gian chưa triển khai hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 và các văn bản quy định chi tiết thi hành".