Đề xuất trường hợp viên chức được thành lập và quản lý doanh nghiệp

Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi đã đề xuất trường hợp ngoại lệ cho phép viên chức được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp.

Trong đợt sửa đổi lần này, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài Chính đã đề xuất nhiều quy định mới như lần đầu quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi" của doanh nghiệp để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố. Hay như sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh đối với hoạt động quản lý doanh nghiệp...

Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo là cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất cho viên chức, viên chức quản lý được tham gia thành lập, góp vốn và quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, như chúng ta đã biết điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp hiện nay không cho phép cán bộ, công chức, viên chức được tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (không có trường hợp ngoại lệ).

 Phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cơ sở tại Hòa Lạc, Hà Nội.

Phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cơ sở tại Hòa Lạc, Hà Nội.

Tuy nhiên, trong dự thảo đã đề xuất sửa đổi theo hướng cán bộ, công chức, viên chức (theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức) không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam trừ viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hiện dự thảo luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã ghi nhận vấn đề này, đang được hoàn thiện và sẽ được trình Quốc hội thông qua ban hành ở kỳ họp thứ 9 vào tháng 5-2025.

Một lý do khác được đưa ra khi đề xuất quy định này là để phù hợp với Điều 4 Nghị quyết số 193/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Điều 4 của nghị quyết này cho phép chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khi sử dụng ngân sách Nhà nước mà không đạt được kết quả hay gây ra thiệt hại sẽ được miễn trách nhiệm dân sự.

Bổ sung khái niệm mới để phòng chống rửa tiền

Lần đầu khái niệm mới "chủ sở hữu hưởng lợi" được định nghĩa bổ sung tại khoản 37, Điều 4.

Theo đó, chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân là cá nhân có một trong các tiêu chí như: Cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp; Cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng hơn 25% cổ tức hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp hoặc cá nhân cuối cùng có quyền chi phối doanh nghiệp.

Sở dĩ quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp dựa trên các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp đều đặt ra yêu cầu minh bạch hóa thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Việc nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi và cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi còn là những biện pháp quan trọng để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Thực tế nước ta đã phát sinh tình trạng núp bóng sở hữu, với nhiều vụ việc tổ chức, cá nhân kiểm soát doanh nghiệp thiếu minh bạch, lạm dụng vị thế kiểm soát doanh nghiệp để thực hiện các hành vi tham nhũng, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Với khái niệm mới về chủ sở hữu hưởng lợi, cơ quan chủ trì soạn thảo đã quy định những vấn đề liên quan như: Doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.

Ngoài ra, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm đăng ký thành lập. Trường hợp doanh nghiệp không có chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thông báo kịp thời thông tin trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm phát sinh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

Kiểm soát doanh nghiệp đăng ký vốn ảo, đăng ký khống vốn điều lệ

Tại điều 215 của dự thảo đã được sửa đổi, bổ sung về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quản lý doanh nghiệp theo hướng UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương, có trách nhiệm: Tổ chức đăng ký kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong phạm vi địa phương; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Đây là điểm mới, bởi pháp luật hiện hành chỉ quy định chung chung UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn.

Đề xuất mới quy định rõ trách nhiệm giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm đối với công tác hậu kiểm nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, đăng ký khống vốn điều lệ, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-truong-hop-vien-chuc-duoc-thanh-lap-va-quan-ly-doanh-nghiep-post843999.html