Đề xuất ứng dụng công nghệ blockchain trong lưu trữ chứng cứ điện tử

Nhóm nghiên cứu cho rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự cần bổ sung các quy định về những tiêu chí với việc xác thực, bảo quản, khai thác chứng cứ điện tử từ công nghệ blockchain.

Sáng nay (8-4), Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) phối hợp với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Pháp luật tố tụng dân sự trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

11 bài tham luận có giá trị cao đã được trình bày và thảo luận bởi các chuyên gia là thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, trọng tài viên.

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trao quà kỷ niệm cho TS. Phạm Quý Tỵ - Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Sài Gòn. Ảnh: THẾ GIANG

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trao quà kỷ niệm cho TS. Phạm Quý Tỵ - Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Sài Gòn. Ảnh: THẾ GIANG

Trong số đó, tham luận “Ứng dụng công nghệ blockchain về việc lưu trữ chứng cứ điện tử trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do PGS.TS Bùi Thị Huyền (Trường Đại học Luật Hà Nội) và nhóm nghiên cứu thực hiện đã thu hút được nhiều sự quan tâm bởi vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh công nghệ này.

Blockchain (chuỗi khối) là thuật ngữ chỉ công nghệ lưu trữ, truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau theo dạng móc xích. Các chuỗi khối này được vận hành dựa trên các thuật toán phổ biến như: chứng cứ công việc (Proof of Work), chứng cứ cổ phần (Proof of Stake).

Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc công nhận tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử là nguồn của chứng cứ. Tuy nhiên vẫn còn bỏ ngỏ về vấn đề lưu trữ để đảm bảo giá trị chứng minh với loại chứng cứ điện tử. Với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các chứng cứ điện tử trở nên phổ biến và việc có quy định đầy đủ về lưu trữ chúng là cần thiết.

Bởi lẽ, các loại chứng cứ điện tử rất dễ bị tác động bởi hai yếu tố là chủ quan và khách quan, ví dụ như các cuộc tấn công mạng, các tác động của con người mang chủ đích thay đổi, xóa bỏ chứng cứ hoặc cũng có thể do tự chính chứng cứ điện tử đó có sự biến đổi, biến mất. Chính vì điều này, nhóm nghiên cứu cho rằng công nghệ blockchain chính là giải pháp hợp lý cho việc lưu trữ chứng cứ điện tử.

Việc áp dụng công nghệ chuỗi khối vào hoạt động tư pháp đang là một xu thế chung trên toàn thế giới và được tiên phong bởi Trung Quốc, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc áp dụng tương tự tại Việt Nam sẽ đặt ra rất nhiều rào cản và thách thức vì công nghệ blockchain chưa tác động nhiều đến đời sống kinh tế - xã hội. Dẫu vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong vài năm tới thì đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền.

THẾ GIANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-ung-dung-cong-nghe-blockchain-trong-luu-tru-chung-cu-dien-tu-post727826.html