Đề xuất ưu đãi lãi suất cho người trẻ mua nhà lần đầu
HoREA đề xuất xây dựng cơ chế cho người trẻ mua căn nhà đầu tiên được vay tín dụng với lãi suất thương mại hợp lý (khoảng 6%-7%/năm được bảo đảm khoản vay bằng chính căn nhà đó) trong thời hạn 10-15 năm.
Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, trong đó có đề xuất ưu đãi lãi suất khi mua căn nhà đầu tiên.
Ưu đãi lãi suất để người trẻ thực hiện ước mơ sở hữu nhà riêng
Theo đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng cơ chế cho người trẻ (từ 18-45 tuổi) mua căn nhà đầu tiên được vay tín dụng với lãi suất thương mại hợp lý (khoảng 6%-7%/năm được bảo đảm khoản vay bằng chính căn nhà đó) trong thời hạn 10-15 năm.
Đa số người trẻ có chí tiến thủ, còn một khoảng đời dài để làm ăn và trả nợ, thông thường sau khoảng 10-15 năm sẽ có thu nhập tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi nên hầu như không có rủi ro cho các ngân hàng thương mại cho vay.
Lý giải về đề xuất này, HoREA cho biết: "Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tái cấu trúc các dự án bất động sản hiện hữu, chuyển hướng đầu tư sang phân khúc nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và cùng Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 sẽ cấu trúc lại thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững".
Liên tục xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở thương mại tầm trung, nhà ở xã hội lại khan hiếm
Theo Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024, tình trạng thiếu nguồn cung dự án nhà ở dẫn đến thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở vẫn tiếp tục xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 2021 đến nay, trong các dự án nhà ở mới không còn loại nhà ở thương mại có giá bán dưới 30 triệu đồng/m2 và đặc biệt khan hiếm nhà ở xã hội.
Trong khi đó, giai đoạn từ năm 2020-2023, khoảng 70% số lượng nhà ở bán ra thị trường hàng năm ở phân khúc nhà ở cao cấp. Đến năm 2024, các dự án nhà ở được đưa ra huy động vốn trên thị trường chỉ còn loại nhà ở cao cấp, chẳng những không còn loại nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, mà cũng không còn nhà ở trung cấp dẫn đến thị trường nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh phát triển không cân bằng, không bền vững như mô hình "kim tự tháp" bị "lộn ngược đầu".
Giá nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tăng trong vài năm trở lại đây, thậm chí vượt quá khả năng tài chính của phần đông người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại đô thị. Điều này khiến việc sở hữu nhà ở của giới trẻ ngày càng khó thực hiện.