Đề xuất về Lãnh sự danh dự của nước CHXHCN Việt Nam

Bộ Ngoại giao đang dự thảo Thông tư về Lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự thảo nêu rõ, Lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là viên chức lãnh sự không chuyên nghiệp, bao gồm: Tổng Lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự (gọi chung là Lãnh sự danh dự).

Dự thảo cũng quy định điều kiện bổ nhiệm Lãnh sự danh dự, nhiệm kỳ Lãnh sự danh dự và xếp hạng Lãnh sự danh dự. Theo đó, người được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự phải đáp ứng những điều kiện sau: Là công dân Việt Nam, công dân nước tiếp nhận hoặc công dân nước thứ ba; thường trú tại nước tiếp nhận; có uy tín và địa vị xã hội, có khả năng tài chính; có lý lịch tư pháp rõ ràng; có hiểu biết về Việt Nam và nước tiếp nhận; không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước Việt Nam hoặc của bất cứ nước nào, không nhận lương từ ngân sách của Chính phủ Việt Nam hoặc bất cứ nước nào.

Lãnh sự danh dự do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm với nhiệm kỳ 03 năm theo đề nghị của người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc theo đề nghị của Cục trưởng Cục lãnh sự.

Khi kết thúc nhiệm kỳ, Lãnh sự danh dự có thể được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tái bổ nhiệm (từ lần thứ hai trở đi) theo đề nghị của người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc theo đề nghị của Cục trưởng Cục lãnh sự.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Lãnh sự danh dự

Lãnh sự danh dự có nhiệm vụ bảo vệ tại nước tiếp nhận lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Lãnh sự danh dự thúc đẩy và khuyến khích các quan hệ kinh tế - thương mại - văn hóa - du lịch v.v. giữa Việt Nam và nước tiếp nhận.

Lãnh sự danh dự có nhiệm vụ báo cáo định kỳ sáu tháng một lần (vào ngày 25/06 và ngày 25/12 hàng năm) về kết quả hoạt động của Lãnh sự danh dự trong kỳ báo cáo và phương hướng công tác trong thời gian tiếp theo. Các báo cáo này được gửi cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm và Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Khi kết thúc nhiệm kỳ, Lãnh sự danh dự cũng có trách nhiệm lập và gửi báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của mình cho các cơ quan nêu trên. Trong khi thực hiện các chức năng lãnh sự, Lãnh sự danh dự có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật và tập quán của Việt Nam cũng như của nước tiếp nhận; tự thu xếp trụ sở và phương tiện làm việc cần thiết khác; bảo mật hồ sơ lãnh sự theo quy định.

Sau khi chấm dứt hoạt động, Lãnh sự danh dự có trách nhiệm bàn giao con dấu, dấu chức danh, dấu tên, Quốc kỳ, Quốc huy, biển hiệu và hồ sơ lãnh sự theo quy định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

KL

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/de-xuat-ve-lanh-su-danh-du-cua-nuoc-chxhcn-viet-nam/374158.vgp