Đề xuất về thực hiện dân chủ trong tạm giam của lực lượng Công an nhân dân

Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự thảo nêu rõ, việc thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân nhằm xây dựng cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo dự thảo, những nội dung phải thông báo công khai gồm: Quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; nội quy cơ sở giam giữ; danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam; chế độ, tiêu chuẩn ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ; quy định về việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân, tiếp xúc lãnh sự.

Dự thảo quy định về những việc người bị tạm giữ, người bị tạm giam tham gia ý kiến như sau: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được đề xuất ý kiến đối với bản thân cũng như đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; được kiến nghị với thủ trưởng cơ sở giam giữ đối với những biểu hiện tiêu cực, thiếu sót trong quản lý giam giữ, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cán bộ, chiến sĩ công tác tại cơ sở giam giữ; những lời nói, cử chỉ, hành động sai trái, vi phạm pháp luật của người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác.

Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ sở giam giữ là định kỳ tiếp công dân mỗi tháng 1 lần, nghe ý kiến phản ánh của công dân; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân. Thông báo đúng thời hạn, bằng văn bản, niêm yết công khai trả lời việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, đơn thư góp ý của công dân. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở giam giữ là chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệnh Công an nhân dân khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân. Phát hiện, báo cáo kịp thời lãnh đạo đơn vị các hành vi vi phạm dân chủ trong công tác quản lý, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Dự thảo nhấn mạnh, nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ tự ý tiếp xúc để lợi dụng vay, mượn, xin, mua, bán hoặc nhận tiền, quà biếu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ dưới bất kỳ hình thức nào hoặc đưa các đồ vật thuộc danh mục cấm vào cơ sở giam giữ; tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; giúp sức, che giấu cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người khác vi phạm nội quy cơ sở giam giữ, làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-ve-thuc-hien-dan-chu-trong-tam-giam-cua-luc-luong-cong-an-nhan-dan-158988.html