Đề xuất xây dữ liệu chung về xe cơ giới tổn thất cao
6 tháng đầu năm, bảo hiểm xe cơ giới vẫn tiếp tục tăng trưởng cao, tiềm ẩn nhiều vụ có dấu hiệu gian lận bảo hiểm.
Số liệu thống kê cho thấy, nửa đầu năm 2022, bảo hiểm xe cơ giới vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Cụ thể, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 9.367 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,7% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 10% so với cùng kỳ; bồi thường 3.732 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 39,8%.
Doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.356 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7%, tăng 11,8% so với cùng kỳ; bồi thường 346 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 14,7%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 7.010 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,8%; bồi thường 3.386 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 48,3%.
Với tỷ lệ bồi thường xe cơ giới gia tăng mạnh cùng hiện thực đã xảy ra nhiều vụ có dấu hiệu gian lận bảo hiểm xe cơ giới, tại một diễn đàn chuyên về bảo hiểm phi nhân thọ mới đây, các công ty bảo hiểm đã nhất trí tiếp tục tăng cường chia sẻ thông tin tổn thất, tuân thủ quy định pháp luật, giải quyết tranh chấp với khách hàng.
Đồng thời, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) cũng đề xuất khởi động lại việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu về xe cơ giới có tỷ lệ tổn thất cao (CIC) dùng chung cho toàn ngành bảo hiểm. Qua đó có thể tra cứu thông tin liên quan đến tổn thất xe cơ giới để áp dụng chính sách chào phí bảo hiểm phù hợp, đảm bảo công bằng giữa các khách hàng (khách hàng quản lý rủi ro tốt thì được giảm phí, khách hàng quản lý rủi ro chưa tốt sẽ phải đóng mức phí bảo hiểm cao hơn.
Đối với dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung, Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 vừa được ban hành đã bổ sung quy định tại Điều 11.
Điều 11. Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm
1. Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và thông tin khác có liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
3. Việc thu thập, sử dụng, lưu giữ và cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh.
Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải sử dụng thông tin được cung cấp đúng mục đích và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
4. Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
5. Chính phủ quy định chi tiết về xây dựng, thu thập, sử dụng, lưu giữ, quản lý và cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.