Đề xuất xây dựng 14 km đường trên cao tại TPHCM
Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) vừa trình UBND TPHCM báo cáo tóm tắt dự án đường trên cao Bắc – Nam nhằm kết nối khu vực trung tâm thành phố với khu đô thị nam Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư khoảng 38.192 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư – PPP, hợp đồng BOT.
Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 14,1 km từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: CII
Theo CII, tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 14,1 km từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh với tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 12,129 héc ta, qua các quận 1, 3, 5, 8, 10 và quận Tân Bình, với tổng số hộ bị giải tỏa 1.186 hộ.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 38.192 tỉ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 18.992 tỉ đồng và chi phí làm đường 19.200 tỉ đồng và 3.337 tỉ đồng cho công tác tái định cư.
Theo thiết kế, tuyến đường sẽ được chia làm 3 đoạn, trong đó, đoạn 1 dài 3,4 km, từ nút giao Cộng Hòa – Trường Chinh, đi dọc theo đường Cộng hòa đến nút giao Lăng Cha Cả.
Đoạn 2 dài 2,6 km, từ nút giao Lăng Cha cả, dọc theo Bùi Thị Xuân đến vị trí cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè – hẻm số 656 Cách Mạng Tháng Tám – ngã ba Bắc Hải – Thành Thái.
Đoạn 3 dài 8,1 km, từ ngã ba Bắc Hải – Thành Thái theo Thành Thái – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – dọc kênh Ông Lớn đến đường Nguyễn Văn Linh (tại vị trí tiếp giáp giữa nút giao cầu Ông Lớn và cầu Ông Bé trên đường Nguyễn Văn Linh).
Dọc tuyến xây dựng các nút giao và các nhánh lên xuống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng xe cần thiết xuống và lên tuyến gồm nút giao Lăng Cha Cả, nút giao ngã 6 Lê Hồng Phong, nút giao cầu Nguyễn Văn Cừ, nút giao tại cầu Ông Lớn đường Nguyễn Văn Linh.
Thiết kế nhà điều hành và văn phòng cho thuê: Ảnh: CII
Đáng chú ý, trong đề xuất trình UBND TPHCM CII kiến nghị tách dự án làm 2 dự án độc lập. Cụ thể, dự án 1 sẽ thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà tái định cư được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Dự án 2 là phần đầu tư xây dựng đường trên cao với thời gian 36 tháng và sẽ được triển khai khi dự án 1 đã hoàn thành. Giai đoạn này, tổng mức đầu tư xây dựng (tính tại năm 2022) khoảng 19.200 tỉ đồng.
Trong đó, vốn chủ hữu chiếm 30% tổng mức đầu tư, không bao gồm lãi trong thời gian thi công, được tính lợi nhuận nhà đầu tư trong thời gian thu phí hoàn vốn là 12%/năm. Vốn vay chiếm 70% tổng mức đầu tư, mức lãi vay dự kiến là 10,5%/năm, tổng lãi vay dự kiến phát sinh trong thời gian thi công là hơn 2.242 tỉ đồng.
Tổng vốn đầu tư dự án 2 bao gồm lãi dự kiến phát sinh trong thời gian thi công là hơn 21.442 tỉ đồng.
Cùng với đó, CII cũng kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận cho đơn vị này điều chỉnh quy hoạch và đầu tư xây dựng cao ốc phía trên và tiếp giáp với tuyến đường trên cao tại vị trí cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4) để bổ sung nguồn vốn cho dự án, tạo dấu nhấn về kiến trúc và sử dụng hiệu quả quỹ đất của thành phố.
Đồng thời, đầu tư xây dựng cao ốc ở lô A9 trong khu C30 (quận 10 và Tân Bình) tiếp giáp với tuyến đường trên cao tại ngã 3 Thành Thái – Bắc Hải để làm nhà điều hành và văn phòng cho thuê. Sau 49 năm, toàn bộ các cao ốc này được bàn giao lại cho thành phố.
Minh Hoàng
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-xuat-xay-dung-14-km-duong-tren-cao-tai-tphcm/