Đề xuất xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa
Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) là nơi vua Ngô Quyền xưng vương và định đô 10 năm, nhưng tại đây hiện không hề có đình hay đền thờ tự nào. Chính vì thế, các cơ quan chức năng và các nhà khoa học đang nỗ lực đề xuất lên UBND TP. Hà Nội nhanh chóng xây dựng đền thờ Ngô Quyền. Trên cơ sở đó tiến tới tổ chức Lễ hội Ngô Quyền xưng vương.
Ngô Quyền hay còn được gọi là Tiền Ngô Vương (898 – 944), là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, chính thức kết thúc gần một thiên niên kỷ Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập lâu dài cho đất nước. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, lập ra nhà Ngô, trị vì từ năm 939 đến năm 944.
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Mùa xuân (ngày 21/1/939), vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”. Sách Việt sử tiêu án chép: “Vương giết Công Tiễn, phá Hoằng Tháo, tự lập làm vua, tôn Dương thị làm Hoàng hậu, đặt đủ 100 quan, dựng ra nghi lễ triều đình, định các sắc áo mặc, đóng đô ở Cổ Loa thành, làm vua được 6 năm rồi mất”.
Ngô Quyền được ví là ông tổ Trung Hưng 1 (vị tổ phục hồi lại đất nước) của nước Đại Việt. Trải qua quá trình khảo cổ, nghiên cứu văn bia, các nhà sử học đã khẳng định cách đây 1.080 năm, Ngô Quyền xưng vương ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Viết Chức, chưa thể lý giải được tại sao 10 thế kỷ trôi qua, trên đất Cổ Loa không có đình, đền thờ Ngô Quyền. Mặc dù ông tổ Trung Hưng của nước Đại Việt có 7 năm định đô ở nơi đây. Trong khi đó, tại quê hương Ngô Quyền (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) đã có đền thờ vua; Hải Phòng – nơi diễn ra trận Bạch Đằng năm 938 - cũng còn in dấu tích vua Ngô Quyền tại 35 đình, đền thờ tự. Hàng năm, nhân dân vẫn tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công đức nhà vua.
Năm 2014, các nhà khoa học đã bàn thảo về đề xuất xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền trên đất Cổ Loa. Sau một hội thảo khoa học phân tích, luận bàn, rất nhiều ý kiến đồng tình, cùng ký vào biên bản gửi lên UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, từ đó đến nay ý tưởng và đề xuất này vẫn chỉ nằm trên bàn giấy. Đất thiêng Cổ Loa xưa nay vẫn là xứ sở của huyền tích, truyền thuyết về vua An Dương Vương với câu chuyện “Mỵ Châu - Trọng Thủy”. Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam: “Ngô Quyền là người hoàn thiện sự nghiệp dựng nước của An Dương Vương”. Chính vì vậy, các nhà khoa học kêu gọi khẩn thiết tạo không gian thờ tự vua Ngô Quyền ở Cổ Loa. Các nhà khoa học gọi đó là không gian thiêng của các lễ hội.
Tuy nhiên, trong lúc chờ có dự án xây dựng chính thức, GS sử học Lê Văn Lan cho rằng nên chọn đình Ngự Triều Di Quy (xóm Chùa, xã Cổ Loa) làm nơi thờ vua và tổ chức Lễ hội xưng vương Ngô Quyền. Phương án này cũng được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội chọn là phương án dự kiến trong đề cương Lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa.
Mặt khác, tuy có hàng nghìn lễ hội một năm, nhưng các nhà khoa học cho rằng nếu so với các địa phương khác thì Hà Nội chưa có lễ hội mang bản sắc riêng. Chính vì vậy, với đề xuất tổ chức quy mô cấp thành phố vào năm chẵn, cấp huyện vào năm lẻ, Lễ hội Ngô Quyền xưng vương đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những đặc trưng riêng của Hà Nội. Trong lễ hội, phần lễ đặc biệt nhấn mạnh việc tái dựng màn xưng vương mở nước của vua Ngô Quyền, các nghi lễ rước, trò chơi đặc trưng thời kỳ ấy. Trong quá trình nghiên cứu lễ hội, vừa kế thừa các nghi thức trò chơi ở các điểm di tích thờ Ngô Quyền tại Hải Phòng và Hà Nội (Đường Lâm), nhưng cũng vừa có những nét riêng biệt để phù hợp với không gian, đặc điểm của vùng đất Cổ Loa.
Lễ hội Ngô Quyền kỳ vọng mang tính kết nối, nâng tầm và hoàn thiện Lễ hội Cổ Loa như chính vai trò lịch sử của vua Ngô Quyền với đời vua An Dương Vương. Cả người dân và các nhà khoa học đều đang mong mỏi đề xuất này sớm được thành phố Hà Nội chấp thuận để phát huy và lan tỏa những giá trị lịch sử tốt đẹp của đất nước, đặc biệt là những công lao to lớn của vua Ngô Quyền.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/de-xuat-xay-dung-den-tho-ngo-quyen-tai-co-loa-93888.html