Đề xuất xây dựng quỹ kiểm định chất lượng do Ủy ban của Quốc hội điều hành
Cần phải bảo đảm các trung tâm kiểm định chất lượng hoàn toàn khách quan, độc lập, không phụ thuộc vào chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đang tiến hành nhìn nhận lại một số vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học, tìm kiếm giải pháp đóng góp với các cấp có thẩm quyền nhằm góp phần phát triển giáo dục bền vững.
Chính vì vậy, ngày 5/5, Hiệp hội đã tổ chức cuộc tọa đàm về công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tọa đàm có sự tham gia của một số chuyên gia như Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Giáo sư Đặng Ứng Vận – Trường Đại học Hòa Bình, chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ - Tiến sĩ Trần Đức Cảnh và Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh- nguyên Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đồng tình với quan điểm chất lượng tiếp cận mục tiêu nhưng bản thân mục tiêu cũng có chất lượng bởi chất lượng mục tiêu nằm ở chỗ sát với nhu cầu xã hội. Do đó xét cho cùng chất lượng là sự phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng thông qua rất nhiều hình thức khác nhau, riêng đối với kiểm định chất lượng lại là một thứ kiểm tra có đóng dấu và mang tính chính thức. Do đó, đây là hình thức hết sức quan trọng.
Vì rất quan trọng nên đòi hỏi kiểm định phải có tin cậy về cả mặt khoa học và mặt khách quan.
Riêng về mặt khoa học thì Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phụ trách thông qua việc xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quy trình phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam, cũng như xu thế của thế giới. Còn việc các trung tâm kiểm định thực hiện thì Bộ chỉ kiểm tra chứ không can thiệp.
Còn mặt khách quan thì phụ thuộc vào cơ chế, chính sách. Hiện nay có kiểm định chương trình và kiểm định trường- đây là 2 điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học còn điều kiện đảm bảo chất lượng hợp lý hay không thì phụ thuộc vào các tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
“Tôi vẫn muốn kiến nghị rằng, cần phải bảo đảm các trung tâm kiểm định hoàn toàn khách quan, độc lập, không phụ thuộc vào chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Và không có mối quan hệ trực tiếp tài chính giữa đơn vị kiểm định và đơn vị được kiểm định có nghĩa là các trung tâm kiểm định và các trường không có mối quan hệ về tài chính, mà xây dựng quỹ kiểm định chung và các trường phải có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ này”, Giáo sư Trần Hồng Quân kiến nghị.
Lúc này đặt ra vấn đề, ai sẽ đứng ra điều hành, giám sát quỹ kiểm định này thì Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng, tổ chức đó chắc chắn không thể trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, “theo tôi, với chức năng giám sát thì tốt nhất là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đứng ra điều hành quỹ này”, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị.
Cuối cùng, theo Giáo sư Quân, việc kiểm định chất lượng hiện nay nằm trong một nền giáo dục đào tạo mà chúng ta tiến hành theo kiểu đồng loạt đã kéo dài khá lâu, phù hợp trong quá khứ nhưng tương lai thì cần đào tạo đồng loạt kết hợp với cá nhân hóa. Và yếu tố tự học trở nên hết sức quan trọng, nên kiểm định phải nghiên cứu để thích hợp cho đào tạo kiểu ấy chứ không thuần túy đào tạo đồng loạt như hiện nay.
Kết luận cuộc tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, kiểm định là chủ đề lớn và cần bàn lâu dài. Bản thân giáo dục là vì vấn đề chất lượng, ngay cả giáo dục đại chúng cũng là để tạo ra chất lượng của một cộng đồng còn giáo dục nhất định phải hướng tới tinh hoa chứ không chỉ có đại chúng.
Nếu chúng ta cứ kéo giáo dục tinh hoa xuống giáo dục đại chúng là sai, mà phải vừa làm đại chúng vừa làm tinh hoa và phải kéo đại chúng lên tinh hoa nên quản lý chất lượng đầu ra là vô cùng quan trọng, trong khi ở Việt Nam chưa bài bản lắm dù chúng ta làm được nhiều việc nhưng kinh nghiệm về vấn đề này chưa nhiều.