Đề xuất xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về yến sào và trầm hương

Tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ với UBND tỉnh Khánh Hòa chiều 16/8 nhằm đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương, tỉnh Khánh Hòa đề xuất xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm yến sào, trầm hương; bảo hộ nhãn hiệu 'Yến sào Khánh Hòa' và bổ sung 'Yến sào' vào danh mục sản phẩm quốc gia.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, yến sào và trầm hương là sản phẩm đặc trưng và nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hiện nay, Khánh Hòa đang sở hữu, khai thác 173 hang yến/33 đảo yến và nhiều nhà nuôi yến, sản lượng hằng năm thu được hàng nghìn ki-lô-gam yến sào thành phẩm các loại; từ nguồn nguyên liệu này tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị như: Yến sào nguyên tổ, tinh chất yến sào, nước yến sào, rượu yến sào, các loại bánh từ yến sào...

Trầm hương của Khánh Hòa cũng được ghi nhận là một sản vật có thương hiệu nổi tiếng trong cả nước, đã hình thành nhiều làng nghề chế biến trầm hương trong tỉnh, đóng góp to lớn cho phát triển ngành trầm hương Việt Nam.

Bên cạnh đó, trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiều sản phẩm giả mạo yến sào và trầm hương, nhưng không có chuẩn mực cụ thể để đánh giá, nên người tiêu dùng khó phân biệt thật, giả, phân biệt sản phẩm tốt, xấu.

Ngay trong việc phân hạng sản phẩm theo chất lượng, như phân hạng yến sào theo loại: Yến huyết, Yến hồng, Yến quang, Yến thiên...; hay phân hạng trầm hương theo: Kỳ nam, Trầm tự nhiên, Trầm tốc, Trầm nhân tạo... để quy định giá trị cũng đang được các tổ chức thực hiện theo cảm quan (màu sắc, mùi vị...), mà không có một chuẩn mực cụ thể về các tiêu chí, các định mức chất lượng nào để đánh giá. Do đó, công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng đối với hai mặt hàng này gặp rất nhiều khó khăn.

Sản phẩm yến sào trưng bày tại một triển lãm

Sản phẩm yến sào trưng bày tại một triển lãm

Báo cáo cũng cho biết, ngoài Khánh Hòa, trên cả nước cũng có nhiều địa phương có nguồn lợi yến sào và trầm hương như: Bình Định, Quảng Nam, Kiên Giang, Tiền Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Quảng Bình... Do đó, từ yêu cầu thực tế ở Khánh Hòa nói riêng và trong cả nước nói chung, cần thiết phải có một quy định chuẩn về các chỉ tiêu cụ thể để phân định, phân hạng sản phẩm theo chất lượng cho yến sào và trầm hương thống nhất trong toàn quốc. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhận thấy, việc xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về yến sào và trầm hương là nhiệm vụ cấp thiết.

Theo quy định tại điểm p khoản 2 Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan để thống nhất trách nhiệm quản lý đối với các sản phẩm thuộc trường hợp chưa phân cụ thể cho Bộ nào quản lý; đồng thời, theo quy định tại Điều 11, Điều 14 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Điều 4 Thông tư số 11/2021/TT-BKHCN ngày 18/11/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn thì thẩm quyền lập Kế hoạch và tổ chức xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia cho yến sào và trầm hương là của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung vào Kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia giai đoạn 2024-2030 nội dung xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về yến sào và trầm hương; đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về yến sào và trầm hương.

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung “Yến sào” vào danh mục sản phẩm quốc gia của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đang giao các cơ quan chuyên môn tham mưu thực hiện nhiệm vụ bảo hộ nhãn hiệu “Yến sào Khánh Hòa” dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Trong quá trình thực hiện thủ tục xác lập quyền, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá điều kiện thực tiễn để sớm cấp văn bằng xác nhận, giúp địa phương sớm có cơ sở bảo hộ quyền sở hữu đối với sản phẩm Yến sào Khánh Hòa.

Tại cuộc họp, Tiến sĩ Triệu Việt Phương, quyền Viện trưởng Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, cho biết trầm hương và yến sào là những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, do vậy việc có thêm công cụ giúp cho việc kiểm soát chất lượng tốt hơn đối với hai sản phẩm này rất cần thiết. Tiêu chuẩn quốc gia là công cụ hữu ích để bảo quản chất lượng, và vấn đề khoa học, khảo sát để xác định đặc tính đặc thù của từng sản phẩm là rất quan trọng và không thể tách rời.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết sẽ "đặc biệt quan tâm" đến đề xuất của địa phương, đồng thời đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ (trực tiếp là Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật; Cục Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục hướng dẫn địa phương thực hiện.

"Tôi đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với ngành liên quan tiếp tục tổng hợp những khó khăn, đề xuất của địa phương để kịp thời giải quyết, tháo gỡ giúp địa phương", Thứ trưởng Trần Hồng Thái nói.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái cũng đề nghị Khánh Hòa đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương, sản phẩm theo chuỗi giá trị, phục vụ tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Hà Linh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-xuat-xay-dung-tieu-chuan-quoc-gia-ve-yen-sao-va-tram-huong-post825346.html