Đề xuất xe máy phải bật đèn khi tham gia giao thông: Bắt chước cũng phải chọn lựa
Đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày để nhận diện mà Bộ GTVT đưa ra đang nhận nhiều phản ánh trái chiều của dư luận và các chuyên gia.
Đây là một trong khá nhiều đề xuất đang gây ra tranh cãi được Bộ GTVT đưa ra trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (Dự thảo luật). Bản Dự thảo luật này đang trong giai đoạn lấy ý kiến Nhân dân, dự kiến kéo dài đến ngày 21/6 tới.
Bật đèn ban ngày để... dễ nhận diện
Cụ thể, trong khoản 3, Điều 27 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nêu rõ: "Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”. Lý giải cho đề xuất này, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) Hoàng Thế Tùng cho rằng, đây là quy định được đưa ra dựa trên Công ước Vienna 1968 mà Việt Nam là thành viên từ năm 2014. Trên thực tế, tại nhiều nước châu Âu, việc sử dụng đèn Daytime Running Light để bật cả ngày lẫn đêm đối với xe máy khá phổ biến. Mục đích nhằm tăng khả năng nhận biết các phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường khi điều kiện thời tiết của những nước này có nhiều sương mù.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ An toàn giao thông cũng thừa nhận, hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn khá nhiều loại xe sử dụng công tắc đèn vì xe chỉ có 2 chế độ pha, cos chứ không phải đèn Daytime Running Light như tại nhiều nước châu Âu. Duy chỉ có một số loại xe nhập về Việt Nam như Honda SH, Honda Lead, Winner X... mới được loại bỏ công tắc đèn nên đèn xe luôn bật sáng bất cứ khi nào xe nổ máy. Bộ GTVT cho rằng, nếu quy định này được thông qua và áp dụng vào thực tế sẽ góp phần tạo ra thay đổi lớn trong thói quen sử dụng đèn xe của người tham gia giao thông ở Việt Nam.
Máy móc và không cần thiết
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông , nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, việc học hỏi kinh nghiệm, mô hình ở nước ngoài trong quá trình xây dựng văn bản luật là rất cần thiết, không chỉ ở nước ta mà tại bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, nếu bê nguyên mô hình nước ngoài một cách máy móc mà chưa có sự nghiên cứu, đánh giá về tính phù hợp với điều kiện thực tế trong nước sẽ gây ra những hệ lụy rất khó lường. “Kinh nghiệm hay mô hình gì cũng phải có sự tương thích và phù hợp mới áp dụng được. Thực tế đã chứng minh, không ít quy định được các cơ quan soạn thảo luật ở nước ta đưa vào sau khi bê nguyên từ nước ngoài về đều có những bất cập, thậm chí không thể đi vào cuộc sống được” – ông Bùi Danh Liên nói.
Nói cụ thể về đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày mà Bộ GTVT đưa vào trong Dự thảo luật, ông Liên cho rằng, có ít nhất hai vấn đề không phù hợp sẽ tạo ra những bất cập nhãn tiền. Thứ nhất, điều kiện thời tiết nước ta khác với các nước tại châu Âu mà cụ thể là không có sương mù dày đặc như nước bạn. Do đó, việc yêu cầu xe máy bật đèn cả ban ngày để nhận diện là không cần thiết. Mặc dù trên thực tế, một số tỉnh, thành phía Bắc, vào mùa Đông cũng xảy ra hiện tượng sương mù lúc sáng sớm nhưng hiện tượng này không kéo dài. Phần lớn thời gian còn lại trong năm, sương mù không có. “Hiện nay xe máy vẫn là phương tiện giao thông chiếm đa số ở nước ta. Thử tưởng tượng, vào những ngày hè oi nóng như tại Hà Nội bây giờ, hàng triệu xe máy đồng loạt bật đèn ngoài đường thì cái nóng nực, oi bức sẽ còn khủng khiếp đến thế nào?” – ông Liên giả thiết.
Thứ hai, phần lớn xe máy ở nước ta đều không được thiết kế lắp đặt Daytime Running Light để bật đèn cả ngày như các nước châu Âu. Trong khi hệ thống đèn pha, cos không thiết kế để sử dụng với mục đích này. Việc áp bức dùng bóng đèn (theo đề nghị của Bộ GTVT là đèn cos để bật vào ban ngày) sẽ ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của đèn. “Muốn đúng chuẩn thì không còn cách nào khác ngoài việc thay hệ thống đèn pha, cos bằng đèn Daytime Running Light, mà điều này lại làm thay đổi thiết kế ban đầu của phương tiện và khiến chủ xe thêm tốn kém” – ông Liên phân tích.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị, nếu Bộ GTVT cho rằng xe lưu thông trên đường cần bật đèn để nhận diện thì nên áp dụng quy định đó với ô tô sẽ khả thi hơn. Bởi lượng ô tô vẫn còn ít hơn rất nhiều so với xe máy, việc bật đèn để nhận diện cũng dễ thực hiện hơn so với xe máy.
Hiện nay quy định mô tô, xe máy phải bật đèn chỉ áp dụng từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau. Quy định này được thể hiện trong điểm l, khoản 1, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.