Đề xuất xử lý người không tố giác hành vi đốt pháo
Qua dự thảo mới, Bộ Công an kiến nghị xử lý việc che giấu, không tố giác hoặc giúp người khác đốt pháo.
Bộ Công an vừa ra dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý, sử dụng pháo nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng pháo, đặc biệt là xử lý hình sự hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ.
Tại Điều 8 của dự thảo này, Bộ Công an đề xuất nghiêm cấm hành vi che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép.
Ngoài ra, kiến nghị cấm hành vi cố ý cấp tin sai về quản lý, bảo quản pháo; không báo cáo, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo.
Đây là 2 chế tài mới của Dự thảo Nghị định mới này, được đề xuất thay thế Nghị định số 36/2009 đang được áp dụng đến nay.
Thông qua dự thảo, Bộ Công an cũng đề xuất cấm hành vi trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoặc thuốc pháo, thiết bị liên quan đến pháo.
Bộ cũng đề xuất cấm các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng pháo nổ; lợi dụng việc sử dụng pháo xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác.
Đáng chú ý, dự thảo này kiến nghị các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa, gồm: Giao thừa, Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc khánh, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, các ngày kỷ niệm, thành lập địa phương, ngày hội văn hóa quốc gia, quốc tế.
Dự thảo đang được lấy ý kiến đóng góp từ đây cho đến hết ngày 11/5. Nghị định mới dự định có hiệu lực từ 1/1/2021.