Để ý tưởng sáng tạo không bị lãng phí

Trong mỗi mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo đều có các di sản kiến trúc và công trình biểu tượng (Pavilon) thu hút du khách, tạo sức sống cho chính các di sản. Tuy nhiên, sau mùa lễ hội, các Pavilon lại bị 'đóng gói', di sản thu hút du khách lại đóng cửa.

Nội dung này đã được các chuyên gia đặt ra tại tọa đàm "Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo” do Sở VHT&TT Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày 13/11.

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Sáng tạo làm cốt lõi

Hà Nội với vị thế trung tâm đất nước, tập hợp các dấu tích vật chất muôn vẻ, trong đó những công trình kiến trúc tạo ra một khối di sản làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị. Nói đến những trăn trở về di sản Hà Nội hiện nay, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ: “Sống lâu ở Hà Nội, chúng ta đã quen, chai lì với những gì Hà Nội có, cảm thấy không có gì mỹ lệ. Nhưng thực tế, Hà Nội lưu trữ nhiều di sản đặc sắc, kết hợp nhuần nhuyễn các nền văn hóa, văn minh, gần gũi với đời sống. Những năm qua, Hà Nội đã trùng tu, bảo tồn di sản ngày càng vững tay hơn. Điều chúng ta đã làm và cần làm là sáng tạo để “tử tế hóa”, “khang trang hóa”, “thành tựu hóa” những con phố, không để chúng mãi lầm lũi.

Không gian sáng tạo tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Ảnh: Lại Tấn

Không gian sáng tạo tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Ảnh: Lại Tấn

Đồng quan điểm trên, KTS Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Chúng ta đặt ra vấn đề bảo tồn các di sản văn hóa đến nay đã 30 năm nhưng thực tế thực gần đây mới có cách nhìn nhận và thấy được giá trị”.

Cụ thể, trước đây, khi trùng tu, bảo tồn các di sản, chính quyền địa phương thường có tư duy khôi phục lại nguyên gốc ban đầu, đặc biệt với các công trình, kiến trúc liên quan đến tín ngưỡng, lễ hội. Những năm gần đây, các địa phương đã thay đổi nhận thức, khi nhìn nhận di sản gắn liền với các không gian, hoạt động gắn liền với giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, sáng tạo nên những giá trị mới.

Công chúng tham quan không gian Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Ảnh: Lại Tấn

Công chúng tham quan không gian Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Ảnh: Lại Tấn

“Tùy từng công trình, chúng tôi đưa vào những nội dung phù hợp để không ảnh hưởng đến giá trị di tích, đưa vào những thông điệp, yếu tố sáng tạo của các nghệ sĩ để công chúng hiểu, trân trọng, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích” – ông Phạm Tuấn Long chia sẻ.

Với cách làm như trên, những năm qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã thành công với nhiều công trình nhỏ như Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm), ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, không gian văn hóa 54 Đào Duy Từ… Qua đó, di sản kiến trúc không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành điểm đến thu hút các ý tưởng sáng tạo, công chúng, du khách.

Tối nối những thành công đó, trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, các di sản kiến trúc như Bắc Bộ phủ, Đại học Tổng hợp, Cung Thiếu nhi tiếp tục được đánh thức bằng nhiều giải pháp đồng bộ, qua đó thu hút nhiều công chúng quan tâm, tham gia, góp phần bảo tồn di sản.

Theo KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: Hà Nội đã được UNESCO công nhận tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới vào năm 2019. Từ đó đến nay, Hà Nội đã và đang từng bước chuyển động theo hướng: “Lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển TP năng động, toàn diện và bền vững”. Trong quá trình ấy, di sản văn hóa vừa là nền tảng tinh thần và vật chất để xây dựng Thành phố sáng tạo, vừa chính là một nhân tố tham gia trực tiếp vào việc tạo lập các không gian sáng tạo của TP.

Sức sống mới cho di sản kiến trúc

Trong các mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo, nhiều công trình biểu tượng như “Cổng sáng tạo”, “Không gian truyền thống”, “Không gian hội nhập” (năm 2022) và Pavilon “Hành lang thơ ngây”, “Dòng”, “Rồng rắn lên mây” (năm 2024) được Ban Tổ chức tạo dựng, thu hút đông đảo du khách tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự tồn tại của các Pavilon chỉ trong thời gian ngắn, không mang tính bền vững. Sau lễ hội, các Pavilon đều “đóng gói” hoặc bị dỡ bỏ gây lãng phí.

Các em nhỏ tham quan Pavilon “Hành lang thơ ngây” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Các em nhỏ tham quan Pavilon “Hành lang thơ ngây” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Dẫn chứng từ sự quan tâm, hưởng ứng của du khách với các công trình nghệ thuật trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo, các chuyên gia cho rằng, việc phát huy giá trị di sản văn hóa cần phải thực hiện có chiến lược. “Trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo, nhiều tác phẩm sử dụng xong chúng ta không biết để đâu. Điều này cho thấy chúng ta cần phối hợp đồng bộ, bài bản, năm sau kế thừa năm trước để có thể truyền cảm hứng cho cộng đồng sáng tạo, đóng góp vào phát triển kinh tế” - KTS Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh. Ông cũng gợi ý, Pavilon sau lễ hội có thể đặt trong không gian trường học, phục vụ các môn học về nghệ thuật, trải nghiệm.

Bàn giải pháp để tiếp tục phát huy giá trị các tác phẩm nghệ thuật trong lễ hội thiết kế sáng tạo, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, sau lễ hội, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp với Sở VH&TT, kiến nghị Ban Tổ chức phối hợp với các đơn vị bàn cách khai thác. Đồng thời, Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/1/2025 có nhiều nội dung mới liên quan đến khai thác, sử dụng, nhượng quyền cho sử dụng với tài sản công. Điều này sẽ mở ra nhiều hướng khai thác sử dụng hiệu quả.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-y-tuong-sang-tao-khong-bi-lang-phi.html