DELHI - Thành phố có nền văn minh lâu đời nhất
Nghiêm trang phủ tổng thống
Phủ tổng thống Ấn Độ (Rashtrapati Bhavan) tại New Delhi là một trong những dinh thự tổng thống lớn nhất thế giới. Toàn bộ tòa nhà rộng 19.000m2, gồm 4 tầng và 340 phòng, nằm trên khuôn viên 130ha tại trung tâm thành phố. Kiến trúc độc đáo của tòa nhà là sự tổng hòa giữa phong cách kiến trúc Mughal và phong cách Tây Âu truyền thống.
Dinh thự này ban đầu được xây dựng để làm Dinh Toàn quyền Anh tại Ấn Độ do một kiến trúc sư người Anh thiết kế, nên công trình dự kiến xây dựng như một biểu tượng của sự cai trị bền vững của Vương quốc Anh ở phương Đông. Năm 1950, sau khi giành được độc lập, tổng thống đầu tiên của Ấn Độ đã quyết định sử dụng dinh thự này làm nơi ở chính thức và được đổi tên thành Rashtrapati Bhavan.
Du khách vào tham quan dinh thự bằng cách trình hộ chiếu ở cổng ra vào, và chỉ được tham quan dọc theo hành lang của các dinh thự, nơi ở của tổng thống thì chỉ có thể nhìn từ bên ngoài.
Uy nghiêm pháo đài đỏ
Pháo đài Delhi còn gọi là Lal Qil’ah hay Lal Qila (có nghĩa là Pháo đài đỏ), là một pháo đài lịch sử nằm tại thành phố Delhi. Đây là nơi cư ngụ chính của các hoàng đế Mogul trong gần 200 năm cho đến năm 1856. Ngoài việc là nơi ở cho các hoàng đế và các hoàng thân, đó còn là trung tâm chính trị và nghi lễ của nhà nước Mogul và là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của khu vực.
Pháo đài đỏ thực sự ấn tượng với diện tích 92,6ha, phần tường thành bao quanh pháo đài dài đến 2.500m, chiều cao trung bình 16 - 33m, và rất nhiều các kiến trúc bên trong tường thành phục vụ cho việc thiết triều, nơi ở, nơi làm việc, giải trí của nhà vua.
Hầu hết các cấu trúc bằng đá cẩm thạch quý của pháo đài sau đó đã bị người Anh phá hủy sau cuộc nổi dậy năm 1857. Các bức tường phòng thủ của pháo đài chủ yếu còn tồn tại được, và sau đó được sử dụng làm đồn trú. Pháo đài đỏ cũng là nơi người Anh đưa hoàng đế cuối cùng của Mogul ra xét xử trước khi đày ông đến Yangon vào năm 1858.
Hàng năm, vào ngày Quốc khánh (15 tháng 8), thủ tướng treo quốc kỳ Ấn Độ tại cổng chính của Pháo đài và phát biểu toàn quốc từ tường thành của Pháo đài đỏ. Với vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ, Pháo đài đỏ đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2007.
Linh thiêng cổ tháp Qutb Minar
Quần thể di tích Qutb ở Thủ đô New Delhi là nơi có ngôi tháp nổi tiếng Qutb Minar và cây cột sắt bí hiểm được xem là “chân của thần Vishnu”. Bất cứ du khách nước ngoài nào tới thăm Ấn Độ cũng không thể bỏ qua được tháp Qutb Minar, và quần thể di tích Hồi giáo xung quanh tòa tháp cổ cao nhất thế giới này. Bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1193, tháp Qutb Minar được xây hoàn toàn bằng gạch và đá cẩm thạch với chiều cao lên tới 72,5m, toàn bộ phần đế được khắc các đoạn trích trong Kinh Coran.
Năm 1993, UNESCO đã chính thức công nhận tháp Qutb và một số kiến trúc khác ở đây vào danh mục “Di sản văn hóa thế giới”. Tháp Qutb được coi là một trong bảy kỳ tích của Ấn Độ, là niềm tự hào của người dân Ấn, điều này càng làm tăng sức hấp dẫn của tháp đối với du khách.
Đài chiến thắng Qutb Minar có tất cả 5 tầng, mỗi tầng có 1 ban công. Bên ngoài công trình kiến trúc được chạm khắc các hoa văn cùng những văn tự Ả-rập mô phỏng theo những lời răn dạy trong kinh Koran. Đài chiến thắng là một công trình nghệ thuật bất hủ của Ấn Độ. Qutb Minar còn được xem là cột đá khổng lồ, thon nhỏ dần khi càng lên cao.
Bên cạnh đài chiến thắng Qutb Minar là thánh đường Quwat ut Islam, giáo đường Hồi giáo lâu đời đầu tiên được xây dựng trên Ấn Độ. Quwat ut Islam có nghĩa là “Sức mạnh của đạo Hồi”. Công trình cũng được xây dựng bởi Hoàng đế Aybuk. Giáo đường nay đã đổ nát nhưng những tàn tích của nó cũng rất đáng để chúng ta chiêm ngưỡng. Giáo đường từng là niềm kiêu hãnh của người Hồi giáo ở Ấn Độ giờ chỉ còn sót lại những hàng cột.
Tiến sâu vào bên trong, thánh đường mang phong cách kiến trúc của đạo Hồi, nhưng vẫn còn phảng phất chút gì đó của nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ. Trên mỗi thân cột là hình chạm khắc khác nhau, hoàn toàn không có hình lặp lại và vô cùng ấn tượng.
Tân thời đền Akshardham
Đây có thể được xem là công trình quy mô nhưng khá mới mẻ tại thủ đô, chính thức mở cửa vào năm 2005, công trình vô cùng nổi bật và tuyệt mỹ bởi những hoa văn tinh xảo đến choáng ngợp. Điểm tham qua vừa là chốn linh thiêng nhưng cũng là viện bảo tàng trưng bày đồ sộ tái hiện lại lịch sử hàng ngàn năm nền văn minh Ấn Độ, ngoài ra ngôi đền còn sở hữu những công viên rộng lớn tuyệt đẹp cộng thêm những bức tượng tạc hết sức sống động, làm cho thần thái của ngôi đền vừa thần bí nhưng cũng đậm nét nghệ thuật, được ví như là đỉnh cao của văn hóa tâm linh.
Akshardham có nghĩa là đời đời bình yên, nơi ở thiêng liêng của Đấng tối cao, là nơi ở của các giá trị vĩnh hằng, được xây dựng theo lối kiến trúc và kỹ thuật vô cùng độc đáo, lắp ghép từ 234 trụ đá được chạm trổ tinh vi, 9 mái vòm trang trí công phu. Tất cả được nối kết với nhau một cách tinh tế, không hề sử dụng đến một thanh sắt, tạo thành một ngôi đền nguy nga, hùng vĩ và tuyệt đẹp. Ở đấy là sự hợp nhất giữa đá sa thạch hồng và đá cẩm thạch trắng tinh khiết. Đá màu hồng tượng trưng cho lòng thành kính mãi không thay đổi, và đá cẩm thạch trắng tượng trưng cho sự tinh khiết tuyệt đối và hòa bình vĩnh cửu.
Đền Akshardham do ngài Pramukh Swami Maharaj khởi xướng xây dựng, nhằm thực hiện tâm nguyện của thầy mình, ngài Brahmaswarup Yogiji Maharaj, người kế nhiệm thứ tư trong dòng truyền thừa Bhagwan Swaminarayan của Ấn Độ giáo.
Một vài lưu ý dành cho những khách hành hương lần đầu tới đền Akshardham, là không mang theo những thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại, máy ảnh, máy ghi âm. Hơn nữa, du khách cần gửi dép bên ngoài mới bắt đầu hành trình tham quan khám phá ngôi đền. Những quy định này của đền nhằm giữ được nét đẹp của sự tinh khiết, thanh tịnh vốn có của một ngôi đền, nên bất kỳ ai cũng cần tuân thủ để thể hiện sự kính trọng của mình đối với Đấng tối cao.
Kỳ quan dưới lòng đất Agrasen Ki Baoli
Khi nhắc đến các kỳ quan kiến trúc, nhiều người thường không nghĩ đến những công trình cấp nước. Tuy vậy, tọa lạc ở trung tâm của New Delhi là một công trình kiến trúc tuyệt vời nằm dưới mặt đất và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cấp nước cho vùng đô thị xung quanh trong nhiều thế kỷ qua. Nó có tên là Agrasen Ki Baoli, và được thiết kế để giúp nhân dân thu thập những giọt nước quý giá trong tiết trời khô hạn của vùng đồng bằng phía Bắc Ấn Độ. Ngày nay nó là một di sản được bảo vệ tại Ấn Độ và rất nổi tiếng với khách du lịch thập phương. Công trình cũng xuất hiện trong rất nhiều bộ phim của Bollywood và các chương trình quảng cáo.
Lăng mộ tối thượng Humayun
Nằm trong danh sách “Những tòa nhà đẹp nhất thế giới”, lăng mộ Humayun đã phải trải qua nhiều thăng trầm lịch sử như chính cuộc đời lưu vong của vị Hoàng đế vương triều Mughal. Nói đến Ấn Độ và lối kiến trúc Mughal, du khách thường nghĩ tới lăng mộ Taj Mahal, một biểu tượng về tình yêu vĩnh cửu của người chồng dành cho vợ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cảm hứng cho thiết kế vĩ đại ấy có thể tìm thấy cách đó vài trăm km về phía Bắc Delhi - Lăng mộ của hoàng đế Humayun vương triều Mughal.
Công trình được xây dựng trong khoảng từ năm 1572-1576 dưới sự chỉ đạo của Hoàng hậu Hamida Baba Begum. Lăng mộ này mới chính là công trình tiêu biểu nhất cho phong cách Mughal vang danh thế giới sau này. Hoàng đế Humayun là con trai vị Hoàng đế Mughal đầu tiên - Babur. Lăng mộ này mất 7 năm xây dựng và chính thức hoàn thành sau 16 năm kể từ ngày Humayun qua đời. Bước ngoặt đến với lăng mộ Humayun khi UNESCO công nhận nơi này là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Có thể nói Thủ đô Delhi dù có phần xa cách về địa lý và khác biệt lớn về văn hóa. Tuy nhiên một chuyến tham quan thành phố náo nhiệt này sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc về nền văn minh lâu đời bậc nhất thế giới, mà tiêu biểu là các di sản công trình còn tồn tại cho đến ngày nay.