Đêm 22/7, bão số 2 đổ bộ trực tiếp vào khu vực vịnh Bắc Bộ
Với lượng mưa lớn lại dồn dập trong thời gian ngắn thì hầu hết khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ cũng như phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Nhận định về diễn biến bão số 2, chiều 22/7, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết lúc 13 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 13, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h và đi sâu vào khu vực vịnh Bắc Bộ.
Tối và đêm 22/7, cường độ bão có thể đạt được giữa cấp 10 và di chuyển vào khu vực giữa vịnh Bắc Bộ. Khi vào gần đất liền, bão có khả năng suy yếu dần.
Đề cập đến tác động của bão số 2, ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định trên biển, khu vực vịnh Bắc Bộ bao gồm những huyện đảo như Bạch Long Vĩ, Cô Tô có thể có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 13, biển động rất mạnh, sóng biển cao 2,5-4,5m.
Vùng biển ven bờ các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh cấp 8, khi gió vào sâu trong đất liền mạnh cấp 6-7.
Từ đêm 22/7, vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10-11. Thời điểm gió mạnh nhất tác động đến khu vực này là từ nay đến ngày 23/7.
Do tác động của bão số 2, từ nay đến khoảng ngày 24/7, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, trong đó khu vực Đông Bắc Bộ lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Khu vực phía Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa có lượng mưa khoảng từ 50-100mm, có nơi trên 200mm.
Thủ đô Hà Nội không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2 nhưng dưới tác động của hoàn lưu bão, khu vực này sẽ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa khoảng trên 100 mm, thời gian mưa tập trung vào đêm 22/7 đến hết ngày 23/7.
“Với lượng mưa lớn như vậy lại dồn dập trong thời gian ngắn thì hầu hết khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ cũng như phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất", ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý.
Trước tình hình bão, mưa lũ diễn biến phức tạp, chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực.
Đồng thời, cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.
Để ứng phó với bão số 2 và mưa lũ, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong đó tập trung vào việc tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Các tỉnh, thành phố cần bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Đồng thời, các địa phương triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng; kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị chết, mất tích; huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.