Đem chữ đi mừng tuổi
Dịp tết trước đi xin chữ, tôi có gặp người đàn ông cùng lúc đặt viết gần trăm chữ trên giấy hồng điều. Nào là chữ học, chữ hiếu, lễ, nghĩa hay đăng khoa... Hỏi ra thì biết đó là một thầy giáo. Thầy đặt viết những chữ ấy để mừng tuổi học trò với mong muốn chúng ngoan ngoãn, đỗ đạt.
(Ảnh minh họa)
Vài ngày trước, tôi lại gặp một cô gái trẻ đến cổng chùa đặt viết những chữ như chúc thọ, chúc khỏe, chúc an yên. Cô cho biết, đặt chữ để mừng tuổi người thân và cả đồng nghiệp của mình trong dịp tết sắp tới. Nghe xong tôi thấy vui vui, dù biết rằng chưa chắc việc làm ấy đã được nhiều người đón nhận.
Trên trang cá nhân của một nhà văn mà tôi kết nối, anh cho biết vừa xuất bản một tập sách và chỉ dùng để mừng tuổi.
Những câu chuyện ấy làm tôi nhớ đến những cái tết xưa, lũ trẻ chúng tôi được người lớn mừng tuổi, ngoài những đồng tiền nhỏ, là món quà có giá trị lớn hơn, có thể là tập vở, cây bút viết, nhiều khi là sách truyện. Những món quà mừng tuổi ấy, khi sử dụng chúng, tôi lại nhớ đến người mừng tuổi đã nói những điều gì với mình.
Câu chuyện đem chữ và sách đi mừng tuổi có lẽ vẫn là số rất ít hiện nay, khi mà việc mừng tuổi thực dụng hơn.
Nhiều người mừng tuổi có khi lồng những tính toán cá nhân vào phong bao mừng tuổi ngày tết bằng đồng tiền mệnh giá lớn. Và, thực tế là có nhiều đứa trẻ đã không vui khi nhận được tờ tiền mừng tuổi mệnh giá nhỏ. Vậy nên sau tết, nhiều đứa trẻ thường chỉ nhớ đến những ai đem đến cho chúng tờ tiền mừng tuổi mệnh giá lớn và phản ánh với bố mẹ mình bằng thái độ khác hơn.
Những tờ tiền mừng tuổi đem lại giá trị kinh tế, nhưng dễ làm lũ trẻ bị tác động theo thiên hướng không tốt, thường chờ đợi và dẫn đến phân biệt.
Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn nổi tiếng của lứa tuổi ô mai từng viết trong tạp bút “Sách của con đâu” như lời kêu gọi phát triển trào lưu mừng tuổi bằng sách. Ông cho rằng, màu sắc thực dụng của đồng tiền đã làm xấu đi tục mừng tuổi truyền thống, và khuyến cáo rằng: Thật là tuyệt vời nếu ngày đầu năm mới vừa nhìn thấy người lớn đến nhà, trẻ con đã ùa ra nhao nhao hỏi “Sách của con đâu” thay vì “Tiền lì xì của con đâu”. Chỉ riêng sự thay đổi đó đã đủ để phụ huynh mỉm cười.
Sau thời gian phát triển kinh tế và tiếp thu các yếu tố văn hóa hiện đại, đã đến lúc chúng ta nhận ra sự cần thiết của những giá trị văn hóa truyền thống ngày tết từ những cuốn sách, chữ viết dùng để mừng tuổi.
Ước mơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và có lẽ của cả một số phụ huynh khác về việc trẻ em chờ sách, chờ những chữ viết mềm mại và ý nghĩa trên giấy hồng điều thay cho tiền mừng tuổi, là không quá xa vời. Nhưng để hiện thực điều đó, cần phải nhân ước mơ ấy tới mọi trẻ em, bắt đầu từ suy nghĩ và cách giáo dục con trẻ của cha mẹ, qua đó chấn hưng điều tốt đẹp xưa cũ, để ngày tết bớt đi những bộn bề, nghĩ ngợi.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dem-chu-di-mung-tuoi/131027.htm