Đêm của người vô gia cư
Trong cái lạnh dưới 8 độ C ở Hà Nội, họ co ro trong chiếc chăn đã cũ mèm, hôi hám dưới mái hiên một tòa nhà, điểm chờ xe buýt thậm chí là trên chiếc ghế đá ở công viên.
“Tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”
Chúng tôi bắt đầu xuống phố vào khoảng 22h đêm trong cái rét đậm, rét hại của Hà Nội. Càng về khuya, nền nhiệt càng xuống thấp, kèm theo mưa phùn khiến phố phường càng trở nên vắng lặng hơn. Trong một góc ở ki ốt, vỉa hè, điểm chờ xe buýt…, những dáng người vô gia cư run lẩy bẩy, co ro trong những tấm chăn, chiếc áo đã cũ mèm.
Tiến đến một người đàn ông đang nằm co quắp tại điểm chờ xe buýt trước cổng Công viên Thống nhất. Thấy người lạ, người đàn ông kéo chiếc chăn mỏng ra khỏi đầu, hướng ánh mắt về phía chúng tôi dò xét. Trao cho ông hộp cháo, ít bánh ngọt, cụ run run đưa tay ra nhận và không quên cảm ơn. “Từ sáng đến giờ, mưa và rét nên chẳng kiếm được cái gì cho vào bụng. Cảm ơn các chú” - Vừa nói, ông vừa ăn vội hộp cháo như sợ đấy chỉ là giấc mơ.
Ông tên là Nguyễn Đình Thường, 70 tuổi, quê Hà Giang. “Tôi đến Hà Nội đã 3 năm nay, ngày thì đi nhặt phế liệu, đêm tiện đâu thì ngủ đấy. Mấy ngày nay mưa, rét quá nên chẳng kiếm được gì” - ông Thường cho biết.
Chia sẻ về nguồn cơn đưa ông đến với Thủ đô này, ông bảo: “Cũng chẳng biết nữa, cứ đi thôi. Dù sao, gia đình cũng chẳng còn ai”. Như chạm vào nỗi đau nào đó từ tận đáy trái tim, cụ kể: Vợ chồng ông sinh được có 1 người con, gần chục năm trước, con gái đi làm và lấy chồng tận Đồng Nai. Kể từ đấy, cháu chẳng về, rồi cũng bặt vô âm tín. Người vợ đầu ấp tay gối của ông vì thương nhớ con mà ngã bệnh. Cố gắng chạy chữa khắp các bệnh viện từ Hà Giang xuống đến Hà Nội, nhưng bệnh của bà không thuyên giảm. Thuốc thang điều trị cho bà, ông bán hết gia sản để chăm, nhưng cách đây 3 năm, bà cũng bỏ ông mà đi.
“Lo xong cho bà ấy, tôi dắt chiếc xe đạp để đi. Cũng chẳng biết là đi đâu. Cứ đi thôi” - kéo tấm chăn mỏng che thêm lên người, ông Thường chia sẻ. Và chẳng biết bước chân thế nào, cụ đã “lấy đêm làm nhà” ở Hà Nội đã 3 năm nay.
Tại một công trình đang thi công dở trên phố Tràng Thi, bà Phạm Thị Thà, 67 tuổi, quê Thái Bình cũng đã bám trụ ở Hà Nội để mưu sinh và chăm 3 cháu nội, ngoại của mình. “Một đứa cháu nội và hai đứa cháu ngoại. Nhưng hai năm nay thì các cháu được vào ở trong một Trung tâm nuôi dưỡng rồi” - bà Thà cho biết.
Kể về nguồn cơn đưa 4 bà cháu đến với “lòng đường, vỉa hè” này, bà cho biết, bà sinh thành được 1 con trai và 1 con gái, cũng dựng vợ, gả chồng yên bề gia thất cả rồi. Nhưng chẳng hiểu sao, chúng không yên phận. “Con trai tôi bị bắt vì buôn bán ma túy. Rồi người ta điều tra ra, có cả con gái bà. Thế là cả 2 đứa đều đi tù”. Thế mẹ và bố các cháu đâu? - chúng tôi hỏi. Gạt vội những giọt nước mắt đang chực tràn ra trên đôi mắt nhăn nheo, bà chép miệng: Con rể gửi 2 đứa cho bà rồi vào Nam sinh sống. Con dâu thì theo người đàn ông khác cũng bỏ lại cháu nội cho bà”.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, hàng xóm láng giềng dị nghị nên bà mang cả 3 cháu rời khỏi làng để tìm đến Thủ đô mưu sinh. “Cả bốn bà cháu lang thang khắp nơi để nhặt rác, rồi ai cho gì thì ăn nấy. Sau cũng có người tốt họ giúp, cho rửa bát và dọn dẹp quán ăn. Nhưng vì có thêm 3 cháu nhỏ nên không thể ở cùng được. Tôi đành gửi cháu vào trung tâm nuôi dưỡng” - bà Thà cho hay.
Dịch bệnh hoành hành nên hơn 1 năm qua, quán hàng đóng cửa, công việc rửa bát, dọn dẹp cũng không còn, bà Thà đành lang thang đi nhặt phế liệu để mưu sinh. “Ngày nào nhặt được thì có bát cơm, ngày nào không thì nhịn đói và trông chờ vào sự giúp đỡ của những tổ chức, cá nhân từ thiện” - Vừa kéo chiếc chăn cũ đắp lên đôi chân, bà Thà vừa chia sẻ.
Mong manh phận người
Trời càng về khuya, mưa càng nặng hạt, những ánh đèn cao áp cũng mờ đi bởi những đợt mưa đêm. Dưới mái hiên của căn nhà quản lý hồ Thiền Quang đã khóa trái, bà Dương đang loay hoay, thu dọn những chiếc túi, đồ dùng và tìm cho mình một chỗ ngả lưng. Thấy chúng tôi, bà nhổm dậy bằng chất giọng miền Trung: “Các chú uống nước à?”, rồi bà kéo chiếc túi lấy ra 1 chai nước đã nguội ngắt từ lâu, run rẩy rót ra 2 chiếc chén đưa cho khách.
“Hôm nay rét quá, cả ngày mới bán được 3 cốc nước, nên chỉ có chiếc bánh mì bỏ bụng. Rét thì chịu được chứ đói thì bụng nó không cho ngủ” - Vừa dốc ngược miếng trầu đang nêm trong cối vào miệng, bà Dương vừa than vãn với chúng tôi.
Bà Dương kể, bố mẹ mất sớm, cụ rời Hà Tĩnh ra Hà Nội từ những năm 1978 khi còn xuân sắc. Tính đến nay bà đã hơn 40 năm sống với cảnh vô gia cư. “Ra Hà Nội, xuống tàu không quen biết ai, tôi đi buôn mía nhưng đám choai choai ăn quỵt, thế là bị lỗ. Rồi tôi đi làm thuê, đi nhặt ve chai để trả nợ, cuối cùng về đây bán nước buổi đêm. Nước thì nhờ mấy người bảo vệ ở công viên Thống Nhất nấu, sau đó pha trà đóng vào chai. Chẳng có chỗ ngồi thì tôi đi bán quanh hồ. Đêm mùa hè thì còn có khách, mùa đông thì chỉ có mấy người xe ôm hoặc đám “cô hồn, dặt dẹo” mà thôi. Tiền bán nước đủ mua 2 cái bánh mì, làm gì có tiền để nghĩ tới việc thuê nhà. Trời nóng thì ra ghế đá, trời lạnh thì vào đây, mưa thì mặc thêm áo mưa”, bà Dương tâm sự rồi móc hết trong túi chìa cho chúng tôi xem số tiền kiếm được hôm nay có vài tờ tiền lẫn lộn các mệnh giá 1.000, 2.000 và 5.000 đồng.
Khi được chúng tôi hỏi về cái đói, cái rét, bà chép miệng “Đói quá thì uống nước vào cho no, rét quá thì ăn trầu cho ấm. Còn sống, chết thì đã có trời tính rồi. Từ nhỏ đến giờ tôi có ốm đau gì đâu. Thỉnh thoảng nhức đầu, sổ mũi rồi nó lại tự khỏi. Sống ở đây rồi và chết ở đây thì cũng sẽ có người lo”.
Trời dần về sáng, mưa đêm càng nặng hạt, những cơn gió cứ rít lên từng hồi, táp những đọn mưa vào hè, mặn chát, tê buốt.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dem-cua-nguoi-vo-gia-cu-5680729.html