Đêm Giao thừa
Sửa soạn xong mâm cơm cúng Giao thừa, ông Tiến bảo vợ: 'Bà xem lại còn thiếu cái gì không nhé, tôi đi làm điếu thuốc lào cho đỡ lạnh cái đã'.
Vừa nói ông vừa chép miệng tự nhủ: “Chà, rét thật, đêm 30 đúng là luôn rét hơn bình thường”. Tiếng rít thuốc lào vang lên giòn giã, nhả khói một cách khoan khoái, ông Tiến nhìn theo làn khói trắng tan dần vào không trung xuýt xoa “đúng là lạnh thật đấy, mà làm điếu thuốc xong thì cũng ấm thật đấy”. Cứ thế ông trầm ngâm đưa mắt nhìn ngắm cảnh vật hồi lâu.
Đêm nay, những hạt mưa xuân lất phất bay, nền trời xám đục như sâu hơn và sáng hơn thường ngày, đâu đó có những vệt pháo bừng sáng cả góc trời. Khung cảnh tịch mịch của làng quê được xua tan bởi tiếng nhạc mừng xuân vọng lại từ những thôn xóm xa xa.
Có lẽ, đêm Giao thừa nên ai ai cũng háo hức chào đón năm mới. Không gian bỗng thơm ngát mùi thơm của nhang trầm, mùi của các loài hoa, hòa cùng hơi thở của trời đất dễ làm lòng người dâng trào bao cảm xúc. Ông Tiến lẩm bẩm, thời tiết đẹp thật, hy vọng một năm mới bình an và thuận lợi. Ông đang tính ra Tết phải mua thêm vài đàn gà về nuôi mới được. Rồi thì…
Năm nào cũng vậy, ông sẽ thức để đón Giao thừa, vì với ông, thời khắc đó thiêng liêng lắm, thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, thời khắc mà ông sẽ thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên và cầu nguyện những điều tốt đẹp.
Mâm cơm cúng đã bày xong, hương trầm, đèn nến cũng đủ cả. Ông Tiến đưa mắt nhìn qua một lượt, lòng thầm nghĩ “năm nay Tết to hơn mọi năm”. Hôm qua, bọn trẻ về ăn tất niên và chúng trang hoàng, mua sắm mọi thứ: Đào, quất, đèn nháy lấp lánh.
Nhưng mà, tự dưng ông Tiến thở dài. Rõ ràng là mọi thứ đều tươm tất, đầy đủ hơn, nhưng sao lòng ông lại thấy trống trải, thiếu thốn một điều gì đó. “Ừ, hẳn là thiếu tiếng cười của bọn trẻ”, tự dưng ông lão thấy sống mũi mình cay cay.
Ông đưa mắt nhìn ngắm những bức ảnh treo trong nhà. Sở dĩ ông treo nhiều ảnh như vậy để mỗi khi thấy nhớ các con, các cháu thì lại ngắm cho đỡ nhớ. Bức ảnh kia, mới ngày nào bọn trẻ còn bé tí mà giờ chúng đã lớn hết rồi, chúng có gia đình riêng, cuộc sống riêng, nhanh thật đấy, đã mấy chục năm trôi qua.
Ngày xưa vẫn căn nhà này, chẳng lấy gì làm rộng rãi. Hồi ấy, nhà chưa sửa sang lại, cái bức tường vôi còn cũ kỹ, mốc meo, nền lát xi măng xám xịt, bong tróc từng mảng, thế mà cứ thấy vui. Vì trong nhà chẳng lúc nào ngớt tiếng cười nói của bọn trẻ.
Ngày các con còn bé, cứ vào đêm 30 Tết là bọn chúng lại tíu tít hơn. Chúng háo hức cùng bố mẹ vớt bánh chưng, rồi mang bộ quần áo mới ra ngắm đi, ngắm lại. Khổ, mỗi năm cùng lắm chỉ có 2 dịp được mua quần áo mới, đó là vào đầu năm học và dịp Tết đến.
Chúng háo hức đem ra định mặc, nhưng lại sợ mẹ sẽ quát: “Cất ngay đi, mấy đứa kia, quần áo ấy phải để dành đến ngày mai đi chơi Tết mới được mặc”. Thế là chúng lại ngoan ngoãn cất đi. Hết mắng bọn trẻ về việc quần, việc áo thì mẹ bọn trẻ lại mắng bọn chúng về việc ăn vụng kẹo.
Cả năm, đến ngày Tết mới ra chợ mua được vài ba cân kẹo rẻ tiền, về đến nhà phải cất thật kỹ. Ấy vậy mà, không biết sao bọn trẻ vẫn tìm được chỗ cất kẹo rồi rúc rích ăn vụng, có khi, ông Tiến biết nhưng mặc kệ. Bà bực bội quát mắng. Nhìn nét mặt lo lắng của bọn trẻ khi đó đến là thương.
Nén nhang trên bàn thờ đang cháy phả ra mùi hương thơm ngát, tiếng pháo hoa nổ giòn giã từng nhịp một. Gác lại tất cả, bố Tiến công kênh đứa bé, dắt tay đứa lớn chạy thật nhanh lên đồi cọ gần nhà hướng mắt nhìn sang thị xã. Pháo hoa nổ tung những tia sáng rực rỡ, lung linh sắc màu, các con reo hò vui sướng. Nhìn các con mà thấy hạnh phúc.
Chỉ một lát nữa, thời khắc Giao thừa cũng đến, pháo hoa cũng sẽ nổ tung giòn giã, mà giờ pháo hoa còn đẹp hơn pháo hoa của ngày trước. Ông Tiến vẫn giữ thói quen chạy ra đồi cọ ngắm pháo hoa mỗi dịp Giao thừa.
Với ông, thứ ánh sáng ấy kỳ diệu lắm, không chỉ đơn thuần vì chúng đẹp, mà mỗi khi nhìn pháo hoa bay lên rực rỡ, ông lại thấy như có tiếng cười nói, reo hò của bọn trẻ ở đâu đây. Nó khiến ông hạnh phúc hơn, nỗi cô đơn trống trải của tuổi già cũng nguôi ngoai phần nào.
“Ông ngoại ơi, ông ngoại ơi!” nghe như có tiếng gọi của cái Tí. Ừ, giá một lần mấy đứa con gái đưa bọn trẻ về đây đón Giao thừa cùng ông ngoại nhỉ. “Ôi!”, ông Tiến lắc đầu tự trấn tĩnh, chắc tại mình già nên lẩm cẩm rồi.
Giờ này, có lẽ bọn trẻ con đang ngủ và mấy đứa con gái thì cũng đang tất bật chuẩn bị đón Giao thừa, đón Tết ở bên nhà chồng chúng. Ông lão thở dài, nhưng đó là quy luật. Nghĩ bụng, ông lão lại tự trách mình lẩm cẩm và ích kỷ.
“Ông ngoại ơi…!”, sao vẫn như là tiếng gọi của con bé Tí thế nhỉ, rồi tiếng con Vàng mừng cuống quýt. Đồng hồ đã điểm những nhịp cuối cùng của năm cũ. Ông lão chạy ra cổng, là bọn trẻ, bọn trẻ đang đứng đó.
Ông Tiến không tin vào mắt mình, ông dụi mắt vì nghĩ phải chăng do mình nhớ bọn trẻ quá mà hoa mắt cũng nên. Nhưng không, cái Tí thấy ông reo lên sung sướng: “Ông ngoại ơi, pháo hoa kìa, ông ngoại ra đây xem pháo hoa với con đi. A! Đẹp quá!”.
“Bố, lâu lắm rồi chúng con mới được đón Giao thừa cùng bố!”, tiếng các con cùng đồng thanh. Ông Tiến nhìn các con trìu mến, nghẹn ngào không nói nên lời. Những màn pháo hoa tung lên trong không trung như hàng ngàn những tia sáng đang mỉm cười. Bầu trời đêm nay thật đẹp, một bầu trời bao la và tươi sáng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dem-giao-thua-post622980.html