Đêm giao thừa của những người mặc áo blouse trắng
Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi hầu hết mọi người đang quây quần ấm áp bên gia đình thì có những y, bác sỹ chẳng hay giao thừa đã trôi qua từ bao giờ. Bởi họ vẫn đang miệt mài chiến đấu với lằn ranh sinh tử để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Bác Hồ từng nói “lương y như từ mẫu” hay danh y Hải Thượng Lãn Ông đã tổng kết về người làm nghề y là người phải biết “lo cái lo của người, vui cái vui của người”. Nghề y không chỉ đòi hòi ở người làm nghề lòng nhân từ, sự cẩn trọng, tỉ mỉ, trách nhiệm cao với công việc mà còn cả sự hy sinh thời gian quý báu. Dẫu có đôi chút chạnh lòng, nhưng ngày nghỉ, ngày lễ, thậm chí là đêm giao thừa, các y, bác sỹ vẫn luôn thầm lặng hoàn thành công việc của mình. Hơn thế nữa, những ca trực đêm 30 tết chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt đối với khoa cấp cứu và khoa sản.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thái, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh động viên thăm hỏi các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Đêm giao thừa chiến đấu với lưỡi hái tử thần
Vào nghề đã nhiều năm nhưng số lần Bác sĩ Nguyễn Xuân Thái, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đón giao thừa ở nhà dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với các y, bác sĩ khoa Cấp cứu, ngày tết cũng như ngày thường, thậm chí những ngày trực tết, công việc còn áp lực hơn, phải làm việc nhiều hơn vì mọi người chia nhau để nghỉ tết, các sinh viên thực tập cũng được ưu tiên về quê ăn tết. Họa hoằn lắm, bệnh nhân cũng chỉ phải đón giao thừa ở bệnh viện một vài lần trong đời nhưng với các y, bác sĩ thì gần như đã là chuyện thường xuyên. Đêm 30 tết luôn có họ túc trực trong bệnh viện, sẵn sàng cứu bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Có lẽ ngày tết, ai ai cũng thấy được sự vất vả của công việc trực cấp cứu ở những điểm nóng về tai nạn giao thông. Thường ngày tai nạn vốn đã xảy ra thường xuyên thì ngày 30 tết, số lượng này lại càng gia tăng. Đặc biệt trong năm qua, với một kíp trực chỉ với 12 người nhưng làm việc với một khối lượng lớn, cụ thể trong một ngày và đêm giao thừa đã đón tiếp gần 300 bệnh nhân (bao gồm cả bệnh nhân lọc máu). Khi đó, cả kíp trực sẽ phải căng mình làm việc để cứu người. Ngoài áp lực về mặt chuyên môn, họ còn phải chịu áp lực từ phía gia đình, người thân của bệnh nhân. Bởi chẳng ai muốn phải đón một cái tết không trọn vẹn khi có người thân đau ốm, tai nạn. Tết đến Xuân về, những cuộc vui bên bạn bè, gia đình, những lần quá chén cùng đồng nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân ùn ùn nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa, đau dạ dày, ngộ độc rượu…Cứu được bệnh nhân thì bác sỹ vui nhưng nếu chẳng may họ không qua khỏi thì các y, bác sỹ cũng buồn theo nỗi buồn của thân nhân người bệnh.
Các bác sỹ gấp gáp đưa bệnh nhân vào viện để cứu chữa
Bác sĩ Nguyễn Bá Trọng, Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, có những giao thừa, người thì trực điều hành ở bệnh viện, người vẫn trên xe cấp cứu gấp gáp đưa bệnh nhân vào viện, hay có y, bác sỹ còn phải đón giao thừa ngay tại tuyến dưới khi đi về hỗ trợ. Dù vậy, đã chọn nghề y thì đây là điều không thể tránh khỏi nên chúng tôi vẫn luôn động viên nhau cố gắng làm việc, lấy niềm vui cứu người để khỏa lấp nỗi buồn xa gia đình lúc sang canh. Ngày tết mỗi năm, các y, bác sỹ khoa cấp cứu bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đều cầu mong không phải nhìn thấy những người đang rơi vào trạng thái hôn mê do bị chấn thương sọ não, những bệnh nhân nửa mê nửa tỉnh hay vật vã với những chấn thương do bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nhưng dường như chẳng năm nào mong muốn ấy của họ thành hiện thực.
Niềm vui đón chào những công dân đầu tiên của năm mới
Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đức Ngọc, Phó Giám đốc, phụ trách thêm Trưởng khoa sản, bệnh viện đa khoa huyện Can Lộc: “Đêm giao thừa là thời khắc thiêng liêng, vui vầy bên gia đình nên trước đây, phần lớn mọi người cố gắng trì hoãn ở nhà đón giao thừa, trường hợp quá bức bách mới phải vào viện. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, lượng sản phụ nhập viện trong đêm giao thừa cũng tương đối”.
Do đó, đêm 30 tết, các y, bác sỹ khoa sản vẫn hết sức bận rộn với công việc của mình. Họ tất bật làm hồ sơ bệnh án, đỡ sinh, thăm khám cho sản phụ, mổ đẻ, tắm cho em bé.... Thậm chí, bởi vì là ngày tết nên họ càng phải làm việc cẩn trọng, tập trung cao hơn, bởi chẳng ai muốn có rủi ro cho mẹ và bé trong thời khắc người người, nhà nhà đều hân hoan với niềm vui chào đón năm mới. Ngoài cấp cứu những người mới nhập viện, các y, bác sỹ còn phải tiêm truyền đúng giờ cho bệnh nhân, hỗ trợ nhanh chóng khi có người nhà sản phụ đến gọi. Có lần ngày cuối năm, trong khi cả gia đình đang quây quần đếm ngược từng giây đến 0 giờ thì chị Phan Thị Hòa, hộ sinh khoa sản, bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh vẫn đang tập trung cao độ dưới ánh đèn mổ, động viên sản phụ bình tĩnh để các bác sỹ đưa em bé ra ngoài.
Chị Hòa cho biết: “Làm nghề y vốn dĩ đã vất vả nhưng với người phụ nữ Việt Nam, sự vất vả ấy lại nhân thêm bội phần. Biết trước lịch trực, sáng 30 Tết tôi đã phải dậy từ 3h sáng chuẩn bị mâm cỗ tất niên, rồi gửi con cho ông bà nội để yên tâm đi trực. Con tôi hai đứa còn nhỏ, tết đến không được ở cạnh con trong thời khắc giao thừa đón năm mới, tôi cũng thương và nhớ con lắm nhưng vì công việc, vì những thiên thần nhỏ khác, tôi đành kìm nén nỗi lòng mà chuyên tâm làm việc”.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đang thăm khám cho công dân "tí hon"
Sau một đêm bận rộn, sáng mồng 1, các y, bác sỹ của ca trực mới được trở về quây quần bên gia đình. Đến lúc đó, cả người mệt đừ chỉ muốn chợp mắt ngủ một lát nhưng trong lòng họ vẫn đọng lại niềm vui ít ai hiểu, giúp họ quên đi bao mệt mỏi sau một đêm trực dài đằng đẵng. Họ vui khi chính tay được chào đón, bế ẵm những thiên thần nhỏ cất tiếng khóc chào đời đêm giao thừa, vui vì được nhìn thấy những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ khi được da kề da với con trên ngực. Các bác sỹ chính là người đón công dân đầu tiên của năm mới, các điều dưỡng, y tá là người đầu tiên chăm sóc, tắm rửa cho những công dân “tí hon” này. Thay vì niềm vui đón giao thừa cùng người thân của mình, họ đã sum vầy trong tình thương, trách nhiệm với bệnh nhân, vui chung với niềm vui “mẹ tròn con vuông” của bao sản phụ và gia đình. Đó là niềm hạnh phúc mà không phải nghề nghiệp nào cũng có được. Tất cả những điều đó đã giúp họ mạnh mẽ hơn, yêu nghề hơn và gắn bó hơn với nghề nghiệp mình đã chọn.
Giao thừa vội vã ở bệnh viện
Dĩ nhiên trực tết ở bệnh viện, các y, bác sĩ cũng vẫn có giao thừa, nhưng là cái giao thừa vô cùng vội vã. Để động viên tinh thần của các bác sĩ khi làm việc trong ngày cuối năm, đêm 30 Tết hằng năm, bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân đều tổ chức buổi tiệc tất niên nhỏ để các y, bác sĩ sum vầy. Tuy nhiên, vì công việc nên cũng chỉ một phần anh chị em có thể tham dự, số còn lại vẫn phải túc trực phục vụ bệnh nhân. Đúng 0 giờ, mọi người sẽ ngơi tay một chút. Họ thay nhau tập trung về hội trường của khoa để đón lãnh đạo bệnh viện xuống chúc mừng năm mới, lì xì đầu năm cho nhân viên, cùng nâng một ly rượu vang, ăn miếng bánh và chúc nhau năm mới mọi điều tốt đẹp. Nhiều người chỉ kịp ghé tới dùng vài miếng ăn, chụp vài kiểu hình lưu niệm. Chưa đầy hai phút gặp gỡ, chúc tết, nhận lì xì từ lãnh đạo bệnh viện, họ lại nhanh chóng trở về vị trí để tiếp tục công việc. Thậm chí có người còn chẳng kịp gọi điện về nhà để chúc tết gia đình. Tiếp đó, sau khoảnh khắc giao thừa, ban lãnh đạo bệnh viện cùng các một số y, bác sĩ lại tới tặng quà, thăm hỏi, động viên bệnh nhân…
Trong thời khắc giao thừa, lãnh đạo tỉnh và BVĐK Hà Tĩnh chúc Tết các cán bộ, nhân viên đang trực Tết. Ảnh: Hạnh Loan
“Cứu sống những sinh mệnh chính là niềm vui lớn nhất đối với những người làm nghề như chúng tôi. Nhiều năm qua, tôi cùng các y, bác sĩ trực Tết, nhiều lần đón giao thừa ở bệnh viện. Dù có chút chạnh lòng khi không được ở bên cạnh người thân, gia đình sum vầy bên mâm cỗ ngày cuối năm nhưng làm sao có thể đem niềm vui cá nhân để so sánh với sự an nguy của người bệnh.”- anh Anh, bác sỹ bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân chia sẻ.
Nghề y là vậy, nếu không có lòng yêu nghề, yêu thương người bệnh thì khó trụ được với nghề. Bởi lẽ đó, dù là ngày thường hay có là lễ tết, đêm giao đi chăng nữa, các y, bác sỹ vẫn luôn tận tâm với nhiệm vụ cứu người cao cả để ngày càng xứng với hai chữ “lương y”. Với họ, chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vui mừng rời khỏi bệnh viện thì những đêm trực Tết, đặc biệt là đêm giao thừa đã trở nên ấm áp lạ thường rồi.