Đêm giao thừa năm ấy
Tôi là nhân viên bán vé ở ga tàu. Tôi sống trong một căn hộ hai mươi lăm mét vuông mà mẹ nuôi của tôi, một người phụ nữ độc thân để lại. Cửa sổ của căn hộ có thể nhìn ra ga tàu. Điều đó đối với tôi đôi lúc thật trào phúng, bởi nó bỗng nhiên biến thành một chiếc chìa khóa vô hình khóa chặt đời tôi vào những khoảnh khắc của sân ga, của những con tàu.
Cho đến khi… tôi gặp anh…
Mỗi ngày, anh đều đến vào lúc bảy giờ sáng, mua vé đi hai ga rồi xuất hiện trở lại lúc bảy giờ tối ở cửa ra. Mùa hè anh mặc áo phông, quần jean và đeo trên vai một chiếc ba lô, kiểu đựng máy tính. Một bên túi phụ của ba lô có chai nước, bên kia là chiếc ô màu xanh lá. Trông anh không giống những người tay xách nách mang mọi thứ lên tàu, anh thảnh thơi, sạch sẽ và đúng giờ. Còn mùa đông, anh mặc áo len cổ lọ, vẫn quần jean và thêm một chiếc áo măng tô dài. Những ngày hửng nắng ấm hơn một chút, anh cầm áo khoác trên tay, bước đi không nhanh cũng không chậm, đến quầy bán vé, mỉm cười, mua vé, cảm ơn rồi rời đi.
Thứ bảy và chủ nhật anh không đi làm, nhưng tôi có thể ngồi bên cửa sổ của căn hộ, tưởng tượng mái tóc anh, dáng người anh đi vào trong ga. Nếu ai đó cảm thấy hai ngày cuối tuần đáng mong đợi, thì tôi cũng thế, tôi mong đợi nó qua nhanh để sáng thứ hai tôi nhìn thấy anh cùng nụ cười của anh.
Anh đã xuất hiện như thế một năm trước, một năm tôi bấu víu vào trí tưởng tượng của mình để cuộc đời có cớ trôi đi cùng những chuyến tàu.
Tôi không có người thân kể từ khi mẹ nuôi mất, khi đó tôi vừa mới trở thành nhân viên bán vé tàu. Tôi sống chung với một con mèo, đôi lúc chúng tôi cùng ăn chung một đĩa bánh, uống chung một chai sữa. Và tôi có một sân ga, một cuộc đời trôi chầm chậm trong cái hối hả của con tàu cùng tiếng còi giục giã của nó. Bây giờ, tôi có anh.
Mỗi ngày anh đi qua đây, tôi đều thì thầm nói với cái bóng lưng cao gầy của anh: “Lấy em nhé. Người quen!”. Có lần anh chào tôi, mỉm cười rồi đi. Tôi hạnh phúc suốt cả tuần vì nụ cười đó. Những ngày cuối năm, ga ngày càng đông hơn. Tôi gần như phải cắm mặt vào những tấm vé, đôi khi chỉ kịp ngẩng lên nhìn anh rồi lại tiếp tục công việc của mình. Sáng ngày ba mươi tết, anh vẫn mua vé.
“Hôm nay, anh chưa được nghỉ tết sao?”. Lần đầu tiên tôi mở miệng hỏi anh, sau một năm “yêu” anh. “Tôi sẽ đi làm nốt hôm nay, còn nhiều việc”, anh mỉm cười trả lời. “Ồ...”. Tôi gật gù sau tấm kính, vì thực ra tôi không biết nói gì hơn. Anh cầm vé từ tay tôi, gật đầu thay cho lời chào, anh bước đi rồi bất chợt quay lại. “Chúc năm mới hạnh phúc”. Tim tôi lạc mất một nhịp. “Chúc anh năm mới hạnh phúc”, tôi thì thào đáp lại. Anh giơ tay chào tôi khi bước vào cửa ga.
Chỉ có điều, tết năm ấy, chúng tôi đều không hạnh phúc. Đêm hôm ấy, tôi phải làm tăng ca. Hay nói đúng hơn, chỉ mình tôi không có gia đình nên tôi bất đắc dĩ trở thành người trực thay những người khác. Chuyến tàu cuối cùng đã rời ga, chuyến cuối cùng đến ga cũng đã rời đi. Tôi cũng sắp được trở về căn hộ hai mươi lăm mét có cửa sổ nhìn ra ga. Tôi đứng dậy, đi một vòng kiểm tra mọi thứ rồi bước ra đường, căn hộ của tôi…ở ngay phía bên kia. Nhưng tôi chợt sững lại khi thấy một bóng dáng quen thuộc cũng đang băng qua đường. Anh đi rất vội.
Trên đường cũng có hai người rất vội đi xe gắn máy rú ga phóng nhanh. Anh mải miết bước trên đường không biết nguy hiểm đang đến gần. Tôi lao vội tới, hét lên: “Cẩn thận!”. Đương nhiên anh chỉ kịp quay lại nhìn tôi rồi bị chiếc xe hất văng đi.
Tôi chạy đến khi anh đã bất tỉnh. Tôi nhào ra gần như đứng chặn giữa đường để bắt một chiếc xe ô tô dừng lại. Khi tôi và người lái xe đưa được anh lên xe, máu từ đầu anh đã chảy xuống ướt hết áo tôi. Tôi gần như khóc lặng đi. “Người quen, ở lại với em!”. Hơn mười phút sau, chúng tôi đã đưa được anh đến bệnh viện. Khi anh được đưa vào phòng cấp cứu, tôi bị ngăn lại ở ngoài. “Xin lỗi, chỉ người nhà mới được vào”. Bác sỹ bảo tôi. “Tôi là… vợ sắp cưới của anh ấy”. Tôi trả lời.
Người ta giao những thứ trên người anh cho tôi, gồm điện thoại, đồng hồ, một chiếc ví. Tôi định dùng điện thoại của anh đề tìm số người nhà, nhưng nó có mật khẩu, thế là tôi lần theo những tấm card visit anh để trong ví để gọi điện. Cũng vì thế tôi biết tên anh là Phong. Đến hơn một tiếng sau, tôi đã gọi được em trai anh.
“Chào Vũ, tôi là bạn gái của anh Phong. Anh ấy bị xe đâm…”. Vũ nhờ tôi trông nom anh trong khi cậu và gia đình di chuyển đến thành phố. Đó là khoảng thời gian bốn tiếng đồng hồ, khi trời đã gần sáng. Bác sỹ cho biết Phong bị chấn thương, phải thực hiện một ca phẫu thuật kéo dài. Tôi cùng gia đình anh chờ đợi suốt mười hai tiếng trong bệnh viện.
Câu chuyện bắt đầu như thế, khi Phong “ngủ” từ khi tiếng pháo giao thừa rực sáng trên bầu trời, khi tiếng hát chúc mừng năm mới cất lên khắp nơi. Một giấc ngủ dài.
“Chị là bạn gái anh ấy … thật sao?”. Trong lúc chờ ở ngoài phòng phẫu thuật, Vũ đã hỏi tôi. Vũ khá giống anh, nhưng trông vẫn có vẻ nhiều hơn tôi vài tuổi. Quả thật tôi rất bối rối không biết trả lời ra sao. Có lẽ tôi thấy mình thật kỳ quặc, bởi ngay lúc ấy, khi anh đang hôn mê, tôi muốn được làm bạn gái anh một lần. Tôi gật đầu: “Tôi là bạn gái anh ấy”. “Không ngờ anh ấy có bạn gái mà lại không nói gì với gia đình”. Vũ nói thế.
Phong mãi không tỉnh lại. Tôi và Vũ thay nhau túc trực bên anh. Lần đầu tiên “diện kiến” anh ở trong phòng hồi sức, tôi đã nói: “Xin chào, em là Vi, Vi có chữ i ngắn, tức là rất nhỏ bé. Em là một nhân viên bán vé tàu, em có căn hộ hai mươi lăm mét vuông thừa kế từ mẹ nuôi…. và em thích anh, rất thích anh…”.
Hơn một tháng trôi qua, Phong vẫn không tỉnh lại. Bố mẹ anh đều đã rời thành phố để tiếp tục công việc kinh doanh của gia đình, cứ một tuần họ lại lên thăm anh một lần. Vũ thì chuyển hẳn công tác lên thành phố để tiện chăm sóc cho Phong. Còn tôi nữa, sau mỗi ca làm, tôi đều đến bệnh viện. Tôi vẫn mang theo bí mật của tôi, một lần được là thành viên của gia đình anh với những cảm xúc vô cùng ấm áp. Có lần bố anh nói với tôi rằng, dù Phong không được như ông mong đợi, nhưng mỗi bước anh đi, ông đều dõi theo.
“Nếu nó chọn mỗi ngày đi về trên một chuyến tàu để bắt đầu sự nghiệp của mình một cách cố chấp và khổ cực, thì ta cũng không ngăn cản”, ông nói thế rồi đưa bàn tay thô ráp lên vuốt những sợi tóc trên trán anh. “Ngày xưa, bố cũng không đi theo con đường của ông nội”, ông nói với anh rồi mỉm cười. Cảm giác ấm áp từ ông lan tỏa sang tôi, khiến cho đôi lần cái ý tưởng thú thật tôi không phải là bạn gái của Phong với họ lại tan biến.
Có lần Vũ bảo tôi: “Tôi không ngờ anh ấy lại thích tuýp người như chị”. “Như tôi sao? ý anh là…”. Vũ cười thanh minh: “Ý tôi là… anh ấy từng thích kiểu cá tính, mạnh mẽ và luôn thay đổi”. “Anh nói cũng đúng, tôi là kiểu người nhàm chán”. Tôi không buồn nếu Vũ nghĩ thế. Dù sao, khi Phong tỉnh lại, tôi cũng sẽ biến khỏi cuộc đời họ.
Một đêm, tôi và Vũ ngồi trong bệnh viện khá lâu cho đến khi quá muộn. Vũ bảo sẽ đưa tôi về vì sợ đường khuya không được an toàn. Khoảng cách từ nhà đến bệnh viện không quá xa. Chúng tôi đi bộ. Đang đi thì trời bỗng đổ mưa. Tôi và Vũ đành phải nép vào những mái hiên mà đi. Anh cố gắng nói chuyện để chúng tôi quên đi cơn mưa và cái lạnh đang thấm vào cơ thể.
“Sở thích của chị là gì?”. “Là không muốn anh gọi tôi là chị. Dù gì tôi với anh Phong cũng chưa đi xa đến thế”, tôi trả lời. “Đấy không phải là sở thích”, Vũ cằn nhằn. Tôi cười to. “Sở thích của tôi chính là không có sở thích”. “Chị ngốc thật đấy!”. Vũ kéo tay tôi khi tôi đi lệch ra khỏi mái hiên. “Vậy sở thích của anh là gì?”. “Là muốn anh ấy sớm tỉnh lại”. “Đấy cũng không thể gọi là sở thích”. “Cũng giống như cô thôi”. Vũ chợt đổi cách xưng hô.
Đi được một lúc, Vũ lại hỏi: “Vì sao cô yêu anh ấy?”. “Vì anh ấy giống như những chuyến tàu, mỗi ngày đều hiển hiện trước mắt tôi, trở nên quen thuộc”. “Không ai yêu một người chỉ vì người ấy quen thuộc”. “Anh nói đúng, tôi không yêu vì anh ấy quen thuộc, tôi yêu vì tôi không thể chịu được nếu anh ấy không xuất hiện”. “Cũng có gì khác nhau đâu”, Vũ phản bác.
Không đâu! Yêu một người chính là nhận ra bản thân trở nên vô nghĩa khi không có người ấy.
Khi chúng tôi đến sân tập thể của chung cư, tôi chào tạm biệt Vũ. Nhưng anh lại nói: “Có bộ đồ nào của Phong ở nhà cô không? Tôi ướt hết rồi”. Tôi sững lại một chút. “Không có”.
Dường như Vũ rất ngạc nhiên, anh nhìn tôi một lúc, như thể không tin được là tôi và Phong chưa từng vượt qua giới hạn. “Được rồi, cô vào đi, tôi sẽ quay về”. “Đợi ở đây, tôi vào lấy cho anh cái ô”. “Không cần đâu, đằng nào tôi cũng ướt rồi”. “Cứ đợi tôi”, tôi bảo anh thế rồi chạy lên cầu thang bộ, không ngờ trong đêm tối, tôi vướng vào viên gạch đặt dưới chân cầu thang, ngã nhào. Một cánh tay đã đỡ được tôi. Tôi gần như ngã vào ngực anh. Khi tôi có thể trụ vững, tôi nhận ra anh chưa hề buông tôi. “Anh có thể… buông tôi ra không?”. Tôi run rẩy hỏi anh. Vũ cuối cùng cũng buông tôi ra, dứt khoát nói: “Tôi đi dây, không cần ô đâu. Cô về thay đồ đi kẻo cảm lạnh”. Anh bước đi thật nhanh trong màn mưa. Không! anh chạy.
Tôi vào nhà, tim dường như vẫn lạc đi mấy nhịp vì cú va chạm vừa rồi. Ngực áo Vũ ướt đẫm nước mưa, lành lạnh, nhưng không thể át được mùi từ cơ thể anh. Đó là một mùi của hương đêm, rất dịu.
Những ngày sau đó, tôi và Vũ vẫn cùng nhau làm một việc, đó là canh chừng Phong. Gần một năm trôi qua, những thói quen của Vũ tôi đã thuộc lòng. Vũ thích ăn đồ cay nóng, thích cà phê sữa, thích đi bộ hơn đi xe, thích mùa đông, và có lần Vũ nói “thích những thứ đơn giản, tẻ nhạt như Vi”.
Chúng tôi cùng có những tháng ngày buồn bã khi Phong mãi không tỉnh lại, nhưng cũng có những phút gây vui vẻ vì đã vượt qua cùng nhau. Tôi gần như quên mất lý do bị cuốn vào cuộc sống của gia đình Vũ, tôi mặc nhiên trở thành một phần của họ, dù tôi vẫn chưa biết sẽ phải đối mặt thế nào khi Phong tỉnh lại.
Cứ thế, cho đến một ngày, tôi nhận được cú điện thoại của Vũ vào đêm khuya. “Cô tới đây ngay, bác sỹ báo anh ấy tỉnh lại rồi. Tôi đợi cô đến”. Tin báo đối với tôi giống như tiếng sét vào một đêm không có mưa.
“Tôi xin lỗi, hôm nay tôi phải tăng ca. Ngày mai tôi sẽ tới”. Cuối cùng tôi lựa chọn phương án này và cúp máy khi Vũ vẫn còn đang nói gì đó tiếp. Tôi vùi sâu vào trong chăn, nhức nhối vì tiếng xình xịch của đoàn tàu sắp sửa vào ga.
Phong tỉnh lại rồi, thì sao chứ? làm sao bây giờ?
Ngày hôm sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Phong. Giọng anh khàn khàn qua điện thoại: “Vi à, anh là Phong đây. Cảm ơn em đã cứu anh!”. “Em xin lỗi vì trong lúc anh ngủ, em đã… ”. “Em không có lỗi gì cả, khi nào anh ra viện, anh sẽ đến thăm và cảm ơn em”. “Không cần thế đâu….”.
Vũ không gọi điện cho tôi. Đương nhiên là thế, bởi Phong đã tỉnh lại, đồng nghĩa với việc Vũ cũng đã biết sự thật, tôi chẳng là gì của Phong. Tôi vô duyên vô cớ chen chân vào gia đình anh, tận hưởng cái cảm giác ấm cúng ấy trong suốt thời gian dài bằng sự giả tạo đến mức tôi còn tưởng đó là thật.
Tôi cũng nhận ra rằng mình phải quên một người. Người ấy mỗi ngày cùng tôi ngồi hàng giờ trong cái hành lang sặc mùi ê te của bệnh viện, mỗi ngày cùng tôi ăn cơm, cùng tôi uống nước, cùng tôi những đêm lạnh, cùng những đêm mưa, cùng đợi chờ một người đang ngủ tỉnh giấc… Tình tôi với Phong chỉ như một cơn gió cô đơn, thổi trên con đường độc đạo. Nó không có thực, chỉ là do một mình tôi tô điểm cho nó thành một con đường hoa. Vũ mới là thực, như những chuyến tàu ngày đêm đến rồi đi và để lại những âm thanh quen thuộc vần vũ nơi tim… … Đêm giao thừa năm ấy, tròn một năm kể từ ngày Phong bắt đầu “giấc ngủ” của mình, tôi ngồi trong quầy bán vé, cúi đầu xuống sấp vé và nhìn những cánh tay cầm tờ tiền đưa vào qua ô cửa kính nhỏ, đổi lấy chuyến đi. Cuộc sống vốn vẫn là như thế, trôi qua ô cửa nhỏ bé, cùng những cánh tay xa lạ vào cái đêm mà mọi người quây quần đón giao thừa…
Bỗng một bàn tay thò vào trong ô cửa. Một chiếc nhẫn được đặt xuống mặt bàn, ngay trước mắt tôi. Tôi ngẩng lên thì nhìn thấy anh. Anh nhìn tôi, ánh mắt như đêm mưa hôm ấy, chôn chặt lên mặt tôi, như thể vĩnh viễn không dời đi.
“Vũ…”, tôi khẽ thì thào, tim như lạc mất một nhịp.
“Bán cho anh một tấm vé đi vào cuộc đời em được không?”.
Anh nói, ngửa bàn tay ra như chờ đợi. Tôi đóng băng sau quầy vé. Phía sau anh, một hàng người đang đợi để mua vé. Mãi sau tôi mới thốt lên được:
“Vũ, anh tránh ra đi, đằng sau còn có nhiều người….”.
Anh quay lại, nói với những người ở phía sau: “Xin lỗi mọi người, tôi yêu cô gái ngồi sau cửa kính này. Tôi vừa mua vé đi vào trái tim cô ấy, nhưng cô ấy chưa đồng ý. Nếu không muốn lỡ tàu, xin hãy giúp tôi”.
Lời anh vừa thốt ra khiến tôi thật sự choáng váng, bất giác đứng bật dậy. Những người phía sau cửa kính bỗng trở nên ồn ào hơn bao giờ hết.
“Hãy nhận lời anh ấy đi”. “Anh ấy thật dũng cảm”. “Anh ấy rất chân thành”. “Chúng tôi không muốn lỡ tàu”. “…”.
Cánh cửa ngăn cách quầy với bên ngoài bất chợt bật mở. Trưởng ca của tôi đã mở chốt, mỉm cười mời anh vào trong. Vũ cảm ơn chị rồi bước vội vào, mang theo mùi hương dìu dịu của cơn gió đêm xuân. Anh không kịp để tôi ngạc nhiên lần nữa, mạnh mẽ kéo tôi vào ngực anh, thì thầm trên tóc tôi. “Cho anh một tấm vé, anh cần lên tàu”.
Mắt tôi nhòe đi…
Dường như bên ngoài rất xôn xao, náo loạn thì phải.
Sau này, có lần Phong hỏi tôi: “Em yêu Vũ từ khi nào?”. Tôi trả lời Phong rằng: “Khi anh đang say ngủ”.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dem-giao-thua-nam-ay-102224.html