Đêm không ngủ của người dân Hà Nội, lo nước lũ tràn đê sông Bùi cuốn bay gia sản

Lo ngại nước lũ tràn đê sông Bùi cuốn bay hết gia sản, những ngày này người dân vùng 'rốn lũ' huyện Chương Mỹ (Hà Nội) luôn sống trong cảnh thấp thỏm ngày đêm trực chạy lũ.

Gần một tuần nay, dù trời không còn mưa lớn, có những ngày nắng gắt, nhưng nước lũ vẫn cuồn cuộn chảy qua đê sông Bùi. Mưa lũ khiến hàng nghìn hộ dân ở 11 xã của huyện Chương Mỹ điêu đứng vì bị cô lập, nhiều hộ mất trắng tài sản sau nhiều năm tích góp.

ĐIÊU ĐỨNG MÙA NƯỚC LŨ

Con đường bê tông từ đê sông Bùi dẫn vào nhà bà Đỗ Thị Thành (69 tuổi, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) những ngày này trở thành tuyến đường thủy. Hằng ngày, bà Thành phải dùng chiếc thuyền tôn mong manh bơi ra đầu làng để chở nước sạch về ăn.

Nhiều nhà dân ở xã Nam Phương Tiến bị cô lập trong nước lũ. Ảnh: Thạch Thảo

Nhiều nhà dân ở xã Nam Phương Tiến bị cô lập trong nước lũ. Ảnh: Thạch Thảo

Đứng trên bờ đê đợi đến lượt lấy nước sạch về dùng, bà Thành hướng đôi mắt rơm rớm nước về phía những ngôi nhà ‘chìm nổi’ trong mùa nước lũ. Bà lo lắng nói: “Nước cứ đổ về ầm ầm thế này thì chẳng mấy chốc nhà cửa sẽ bị ngập hết. Đồng áng đã bị mất sạch, nay đồ đạc trong nhà chắc cũng bị hỏng”.

Trước đó, ngày 24/7, khi thấy nước bắt đầu tràn qua đê sông Bùi, vợ chồng bà Thành phải chuyển những bao thóc cùng nhiều tài sản lên chiếc giường đã được kê 4 hàng gạch. Đến đêm ông bà cũng không ngủ được, ngồi trên ghế nhìn ra sân, sợ nước dâng cao hơn làm hỏng đồ đạc.

Những ngày sau đó, do điện bị cắt không thể cắm cơm nên gia đình bà Thành chỉ biết ăn mì tôm qua ngày.

Đến ngày 27/7, khi thấy nước rút, bà Thành lau dọn nhà cửa để đón con cháu về. Thế nhưng đêm 28/7, nước lũ tiếp tục đổ về, nước sông Bùi tràn qua đê nhiều hơn.

“Gần 2 mẫu lúa coi như mất trắng. Tính công sức, lúa giống và phân bón, vụ này coi như lỗ cả chục triệu đồng. Gia đình tôi không chăn nuôi nên mất ít, có những hộ bị nước lũ cuốn trôi cả tỷ đồng tiền gà, vịt, cá”, bà Thành nhẩm tính.

Con đường bê tông ở thôn Nhân Lý nay thành... đường thủy. Ảnh: Quang Phong

Con đường bê tông ở thôn Nhân Lý nay thành... đường thủy. Ảnh: Quang Phong

Ông Phùng Xuân Lực, trưởng thôn Nhân Lý cho biết, xã Nam Phương Tiến có 320 hộ dân thì 300 nhà bị ngập. Thôn Nhân Lý bị ngập nặng nhất nên nhiều người già, trẻ nhỏ phải sơ tán đến các thôn khác.

Theo ông Lực, mưa lũ khiến cuộc sống của người dân khó khăn hơn, nhiều gia đình sẽ tái nghèo do nước lũ "cuốn bay" hết gia sản. Đặc biệt trong đó có những hộ đào ao thả cá và chăn nuôi gia cầm ngoài đồng.

“Thôn Nhân Lý có 8 hộ chăn nuôi, mỗi hộ thiệt hại tiền tỷ. Như em trai tôi nuôi hơn 1.000 con gà đẻ, khi nước lũ về, kịp thuê xe tải chở gà lên vùng cao. Tuy nhiên, gà ngấm nước, ngộp thở trong quá trình vận chuyển nên cũng chết gần hết”, ông Lực chia sẻ.

Ông Lực cũng như nhiều người dân thôn Nhân Lý mong muốn huyện Chương Mỹ cũng như TP Hà Nội có giải pháp lâu dài cho con em vùng ‘rốn lũ’.

“Sau đợt ngập lụt năm 2017 và 2018, thành phố cũng đưa ra một số giải pháp như di dân lên vùng cao hơn hoặc nâng đê sông Bùi. Tuy nhiên, sau đó ‘đâu lại vào đấy’, người dân ven sông Bùi vẫn thấp thỏm mỗi khi nước lũ đổ về”, vị trưởng thôn Nhân Lý nói.

CẮT CỬ LỰC LƯỢNG NGÀY ĐÊM CANH ĐÊ

Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, mưa lũ khiến hơn 5,5km đê thuộc địa bàn 11 xã bị ngập. Nước lũ đã làm hơn 1.200 hộ dân bị ngập từ 0,5 - 2m, hơn 1.200 hộ bị ngập lối đi. Đến nay, huyện Chương Mỹ đã di dời khoảng 1.300 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, đến nay còn khoảng 700 hộ dân (khoảng 1.000 người) bám trụ vùng ngập. Lực lượng chức năng của huyện đang tập trung cung cấp nước sạch và lương thực cho người dân vùng lũ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đã có công văn đề nghị Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đóng 1 cửa xả, đồng thời đề nghị tỉnh Hà Nam điều tiết nước để giảm áp lực cho đê sông Bùi.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài kiểm tra 'rốn lũ' huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Phong

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài kiểm tra 'rốn lũ' huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Phong

Kiểm tra vùng 'rốn lũ' Chương Mỹ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu huyện cân nhắc phương án sơ tán 700 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt. "Trong lúc này, tính mạng nhân dân là quan trọng nhất, nếu vận động không được thì có thể cưỡng chế dân đi", bà Hoài nói.

Theo bà Hoài, việc ngập lụt không phụ thuộc vào ý chí của con người vì do thời tiết, yếu tố khách quan. "Vậy nên có thể 10 ngày, nửa tháng chưa chắc nước đã rút. Do vậy phải tính đến an sinh xã hội, làm sao hỗ trợ người dân có chỗ ở ổn định", Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu.

Bà Hoài lưu ý thêm, khi di tản dân thì nơi đến phải đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, không để người dân bị đói. Đặc biệt, phải quan tâm, ưu tiên người già, người cô đơn, người yếu thế, người tàn tật.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng chức năng khẩn cấp bảo đảm an toàn các tuyến đê sông Bùi. Riêng huyện Chương Mỹ có trách nhiệm cắt cử người theo dõi, đề phòng đê sông Bùi bị vỡ.

"Nếu nước rút được thì khẩn trương chỉ đạo để ổn định cuộc sống nhân dân, quan tâm đến vệ sinh môi trường, dịch bệnh", bà Hoài lưu ý thêm.

Sông Bùi được biết đến là vùng thoát lũ của Hà Nội. Trong 15 năm gần đây, đã 3 lần nước tràn qua đê hữu sông Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ, trong đó năm 2008 có trận ngập lụt lịch sử. Đợt ngập năm 2017 và 2018 cũng khiến hàng nghìn hộ dân ở vùng 'rốn lũ' Chương Mỹ phải sơ tán.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dem-khong-ngu-cua-nguoi-dan-ha-noi-lo-nuoc-lu-tran-de-song-bui-cuon-bay-gia-san-2306909.html