Đêm lặng rẻo cao

Sau nhiều ngày bị cô lập do bão số 9, ngày 22-11, con đường vào xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã được thông tuyến. Trước đó, mưa lũ sạt lở đã làm cho hàng ngàn khối đất, đá đổ xuống từ triền núi, cắt phăng mọi ngả đường. Hiện nay, 4 nạn nhân mất tích do sạt lở núi vẫn chưa được tìm thấy. Cắt rừng, vượt suối lũ, băng qua những đoạn dốc đá chênh vênh, hàng chục người lính đã tìm đến và ở lại cùng đồng bào vùng cao. Trong rét buốt của mưa nguồn, công cuộc tìm kiếm người mất tích vẫn đang được thực hiện miệt mài, ở rẻo cao Phước Lộc.

Trung úy Lưu Văn Tuân (người đi trước) cùng đồng đội gùi lương thực vào khu dân cư bị cô lập ở xã Phước Lộc. Ảnh: Huỳnh Chín

Trung úy Lưu Văn Tuân (người đi trước) cùng đồng đội gùi lương thực vào khu dân cư bị cô lập ở xã Phước Lộc. Ảnh: Huỳnh Chín

Mệnh lệnh hành quân

Còn nhớ, 12 giờ ngày 29-10, ngay sau khi nhận tin vụ sạt lở đất làm 13 người mất tích tại thôn 3, xã Phước Lộc, ba lô của Trung úy Lưu Văn Tuân được đặt ngay ngắn trong dãy dài hành trang của đồng đội tại trụ sở Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam. Có tên trong Trung đội thường trực tìm kiếm cứu nạn của BĐBP tỉnh thành lập từ trước đó, Trung úy Tuân cùng đồng đội ngay lập tức được điều động lên đường. Mệnh lệnh hành quân phát ra, Trung đội gồm 30 cán bộ, chiến sĩ dưới sự chỉ huy của Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh lập tức di chuyển tiếp cận hiện trường.

“Chúng tôi ý thức được nhiệm vụ của mình. Hơn ai hết, lúc này, bà con cần chúng tôi, cần những bao gạo, nhu yếu phẩm mà chúng tôi đang gùi cõng trên vai mình. Có đến tận nơi, tận thấy những vất vả của bà con, chúng tôi càng thấy công việc mình đang làm thêm ý nghĩa” - Trung úy Tuân nói.

Xe chuyên dụng được huy động khai thông các điểm sạt lở, tuy nhiên mọi phương án tiếp cận xã Phước Lộc từ 2 cung đường chính là từ Phước Kim vòng lên Phước Thành qua Phước Lộc và từ Phước Công vào Phước Lộc đều bất thành. Phương án tiếp cận nhanh bị vỡ do tình hình thời tiết quá phức tạp, đất đá vẫn tiếp tục đổ sập hàng chục điểm, cộng thêm đêm tối buộc đoàn phải di chuyển đội hình về Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn.

2 ngày sau, tổ trinh sát báo tin vẫn chưa thể thông tuyến, nguy cơ thiếu lương thực hiển hiện đối với hơn 3.000 người dân tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành. Hành trang của Trung úy Lưu Văn Tuân và đồng đội chất thêm gạo, nhu yếu phẩm, thuốc men... cho bà con. Từ điểm đầu xã Phước Công, đoàn người lặng lẽ cắt rừng, vượt suối bằng đường bộ. Dốc đá dựng đứng, từng người phải bám chặt vào dây neo, gập lưng dò từng bước. Có nơi bùn ngập quá gối, anh em níu tay nhau qua từng vũng lầy, trực chỉ phía Phước Lộc. Mưa rừng trộn lấy mồ hôi, anh em lầm lũi đi suốt 2 ngày đường, đưa lương thực về với bà con Phước Lộc. Thời điểm đó, Trung úy Tuân vừa mới cưới vợ được đúng... 10 ngày.

Là lính, hẳn đã quá quen với những cuộc hành quân cơ động đột xuất, nhưng chuyến đi này lại quá đỗi đáng nhớ với Trung úy Tuân và đồng đội. Gấp gáp, bất ngờ, gặp quá nhiều gian truân, nhưng sự cấp bách của nhiệm vụ như một động lực để chân bước nhanh hơn, quãng đường ngắn lại.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam tham gia tìm kiếm người mất tích ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Huỳnh Chín

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam tham gia tìm kiếm người mất tích ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Huỳnh Chín

Anh không kể, nhưng qua một người bạn, chúng tôi biết thêm câu chuyện anh từng có mặt cắm chốt suốt 6 tháng trời tại khu vực cột mốc 618, thuộc địa bàn xã A Nông, huyện tây Giang, tỉnh Quảng Nam kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đám cưới hoãn lại nhiều lần, mãi đến khi vừa tổ chức xong lễ cưới được một tuần, anh lại tiếp tục nhận lệnh thực hiện nhiệm vụ. Và giờ, anh vẫn đang trực chiến ở Phước Lộc.

Vật lộn kiếm tìm

Suốt 8 tháng ròng, Thiếu tá Vi Văn Vông, Trợ lý công binh, Phòng Tham mưu, BĐBP Quảng Nam chưa được về nhà. Quê anh tận xã Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An), dịch Covid-19 kéo anh đi theo những chuyến công tác dài đằng đẵng, cắm chốt túc trực miền biên giới. Rồi mưa bão ập đến, anh cùng đồng đội khoác ba lô, cắt rừng vào thôn 3, xã Phước Lộc để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi. Hì hục băng rừng hơn 3 giờ đồng hồ từ UBND xã vào đến nơi, bỏ lại sau lưng ngọn núi có độ cao đến hơn 1.400m, cảnh tượng kinh hoàng của vụ lở núi bày ra trước mắt anh.

“Vụ sạt lở đã chôn vùi đi tất cả, không còn dấu vết nào của một ngôi làng từng tồn tại nơi đây. Những thứ còn lại là ngổn ngang đất đá, cây rừng dày cộm trên một bãi lộn xộn với chiều dài khoảng 600m và chiều rộng hơn 50m. Quá khủng khiếp” - anh Vông kể lại.

Trước những đau thương bao trùm ngôi làng nhỏ, không có một mệnh lệnh nào được phát ra. Các anh tự lật xới từng gốc cây, tảng đá, bắt tay vào việc bằng chính một “mệnh lệnh” trong lặng yên của lòng mình. Vật lộn với đống ngổn ngang, có những thân cây vài người ôm chèn chặt lấy nhà cửa, đất đá. Mưa rừng đổ xối xả trên đầu, mặc kệ, mỗi người chung một bàn tay, dịch chuyển, lật xới từng tấc đất để tìm kiếm...

Cùng với nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam còn làm các khu nhà tạm cho người dân di dời ra khỏi các khu vực sạt lở. Ảnh: Huỳnh Chín

Cùng với nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam còn làm các khu nhà tạm cho người dân di dời ra khỏi các khu vực sạt lở. Ảnh: Huỳnh Chín

Xã Phước Lộc có 13 người mất tích, trong đó 2 cán bộ xã mất tích tại thôn 1 và 11 người dân mất tích tại thôn 3 do sạt lở núi vào ngày 28-10. Đến thời điểm hiện tại, 9 nạn nhân đã được tìm thấy. Công cuộc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục, chủ yếu bằng sức người với các công cụ thô sơ. Trung tá Thái Nguyễn Văn Hà, Chỉ huy đội công tác tại đây tâm sự, không thể tưởng tượng được mức độ vất vả trên cung đường mà anh em đã đi qua. Song, vào đến nơi, tất cả lại cùng động viên nhau bắt tay vào việc tìm kiếm người mất tích, chia sẻ với bà con đang phải sống tạm bợ trong những căn lều, lán do mất nhà sau bão.

Không ít lần bộ đội, dân quân, Công an dầm mình cả ngày trong bùn đất. Rất nhiều đêm lặng đã trôi qua nơi rẻo cao Phước Lộc. Bỏ lại sau lưng cung đường núi lở, bùn lầy và cả những đoạn suối cuồn cuộn chảy xiết vì lũ. Họ vẫn đang ở nơi này, cùng với bà con tìm kiếm một phép màu cho những nạn nhân vẫn còn chưa được tìm thấy. Ít nhất, sự cố gắng ấy cũng đang là niềm an ủi lớn nhất cho cả ngôi làng, sau biết bao đau thương từng dội xuống, giữa rẻo cao.

“Tất cả tình cảm của chúng tôi đều hướng về nơi những người mất tích và người dân đang lo lắng do bị cô lập trong những ngày qua. Bộn bề công việc, song đó là sự sẻ chia từ tấm lòng và trách nhiệm của người lính. Bà con ở đây đã mất mát quá nhiều, trong đó có những mất mát không cách nào có thể bù đắp nổi. Chúng tôi đều dặn nhau phải nỗ lực từng giờ, từng phút để tìm kiếm những người còn mất tích, phần nào làm nguôi ngoai đi nỗi đau của các gia đình” - Trung tá Thái Nguyễn Văn Hà nói.

Huỳnh Chín

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dem-lang-reo-cao-post435355.html