Đêm nay, sao chổi xanh siêu hiếm sẽ lao qua Trái Đất sau 50.000 năm
Một sao chổi rất hiếm vừa được phát hiện gần đây có màu xanh lá cây, sẽ lao qua Trái Đất vào đêm nay. Người quan sát cần tới ống nhòm và kính thiên văn để thấy nó.
Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, lần cuối sao chổi này đi ngang qua Trái Đất là cách đây khoảng 50.000 năm, và có lẽ nó sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Nó sẽ tới gần Trái Đất nhất vào lúc 1h11 sáng mùng 2/2 theo giờ Việt Nam, khi nó ở cách chúng ta khoảng 42 triệu km. Tuy nhiên nó sẽ sáng tới mức nào thì chưa ai nói chắc được.
Tại Hà Nội và TPHCM đều có thể quan sát sao chổi khi trời tối, cụ thể là từ lúc 18:40, với góc nhìn nằm trong khoảng 32 độ trên tính từ trên đường chân trời phía Bắc. Sao chổi sẽ tiếp tục được quan sát cho đến khoảng 3:38 sáng, cho tới khi nó xuống thấp hơn 20 độ dưới tính từ đường chân trời.
Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) lần đầu tiên được xác định vào tháng 3/2022 bởi Đài quan sát Palomar ở California (Mỹ) khi nó đang di chuyển bên trong quỹ đạo của Sao Mộc. Kể cả lúc bay gần nhất, sao chổi vẫn xa Trái đất với khoảng cách gấp 100 lần so với Mặt trăng.
Khi sao chổi đến gần Trái đất nhất, những người quan sát thiên văn có thể nhận ra nó trong hình dạng một vệt mờ màu xanh gần ngôi sao Polaris, còn gọi là sao Bắc đẩu. Sao chổi phản chiếu nhiều màu khác nhau do vị trí trong quỹ đạo và thành phần hóa học.
Bầu trời buổi sáng sớm, sau khi Mặt trăng đã lặn ở Bắc bán cầu, là thời gian tối ưu để quan sát sao chổi. Những người ở Nam bán cầu khó quan sát thiên thể hơn.
Tùy vào độ sáng, sao chổi C/2022 E3 (ZTF) có thể được quan sát bằng mắt thường trong bầu trời đêm, nhưng ống nhòm và kính thiên văn sẽ giúp việc quan sát dễ dàng hơn.
Ngay bây giờ, bạn chắc chắn cần tới ống nhòm tốt hoặc kính thiên văn nhỏ để thấy được sao chổi này, tới cuối tháng thì có thể quan sát được nó bằng mắt thường. Việc quan sát được hay không phụ thuộc vào mức độ ô nhiễm ánh sáng đến đâu, trời có trong hay không.
Sao chổi thường, giống như các ngôi sao, thiên hà và các vật thể khác trong vũ trụ, có màu trắng nhạt. Đối với C/2022 E3 (ZTF) thì không: nó có màu xanh lục. Hay có lẽ chính xác hơn, mắt người sẽ cảm nhận nó có màu xanh lá cây.
Sao chổi được tạo thành từ các khối khí, đá và bụi đông lạnh. Khi một sao chổi đến gần Mặt Trời, nó nóng lên và phun ra khí, bụi thành một khối phát sáng trông giống như một cái đuôi dài. Theo nghiên cứu của nhà hóa học Gerhard Herzberg, sở dĩ sao chổi này có màu xanh lục là do nó có sự hiện diện của các hợp chất như diatomic carbon và cyanogen khiến nó có màu xanh lục.
Ban đầu, các nhà thiên văn học nghi ngờ rằng đó là một tiểu hành tinh, nhưng C/2022 E3 (ZTF) nhanh chóng sáng lên khi nó đến gần Mặt Trời. Đây là một hành vi đặc trưng, chỉ có ở các sao chổi khi chúng tiếp cận Mặt Trời và được làm nóng bởi bức xạ từ ngôi sao của chúng ta.
Lúc này, vật chất ở bề mặt của sao chổi chuyển từ trạng thái băng rắn sang dạng khí, trong một quá trình gọi là "thăng hoa". Cũng nhờ trạng thái đặc biệt này mà chúng ta có thể dễ dàng quan sát sao chổi phát sáng dù ở khoảng cách rất xa.