'Đếm ngược' 90 ngày đàm phán thuế với Mỹ: Đã đến lúc thay đổi cấu trúc nền kinh tế Việt Nam
Theo quyết định mới của Tổng thống Mỹ Donal Trump, Việt Nam có 90 ngày để đàm phán về thuế đối ứng. Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội và cũng là thời điểm Việt Nam phải thay đổi chiến lược về cấu trúc nền kinh tế nhằm gia tăng sức chống chịu.
Tại Hội thảo Khoa học quốc gia với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới” do Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tổ chức vào ngày 10/4/2025, những vấn đề nóng về kinh tế Việt Nam trước chính sách thuế của Mỹ đã được đưa ra bàn thảo.

Các chuyên gia, tác giả Ấn phẩm trao đổi tại họp báo trước Hội thảo. Ảnh: H.D
Phải gia tăng sức chống chịu
Nếu không có kết quả đàm phán và thay đổi tích cực từ quyết định của Tổng thống Trump như hiện nay thì mức thuế đối ứng 46% sẽ tạo thành “cú sốc” lớn với nền kinh tế trong nước, bởi kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam rất cao, cũng như sẽ tác động đến khu vực đầu tư nước ngoài- GS.TS. Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trao đổi với báo chí tại họp báo trước Hội thảo, theo GS.TS. Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, các giải pháp ứng phó của Việt Nam cần chia thành 2 nhóm là trước mắt và dài hạn.
Cụ thể, trong ngắn hạn là phải sẵn sàng chấp nhận một số biến động nhưng vẫn trong khả năng điều hành kinh tế, không để lạm phát, tỷ giá, lãi suất vượt khỏi tầm kiểm soát thì vẫn thực hiện được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Nhưng cũng cần phải làm rõ và minh bạch hơn trong quản lý thuế quan và phi thuế quan của hoạt động xuất nhập khẩu.
Về dài hạn, vẫn phải kiên trì theo đuổi ổn định kinh tế vĩ mô, nên các chính sách cần được điều hành linh hoạt và kiên định.
Cũng về vấn đề này, GS.TS. Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nếu không có kết quả đàm phán và thay đổi tích cực từ quyết định của Tổng thống Trump như hiện nay thì mức thuế đối ứng 46% sẽ tạo thành “cú sốc” lớn với nền kinh tế trong nước, bởi kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam rất cao, cũng như sẽ tác động đến khu vực đầu tư nước ngoài.
Vì thế, GS.TS. Tô Trung Thành nhấn mạnh, trong giai đoạn chờ đợi kết quả đàm phán mới, nền kinh tế Việt Nam đã đến lúc phải thay đổi chiến lược về cấu trúc nền kinh tế, cần dựa vào nguồn lực trong nước là kinh tế tư nhân, cũng như phải có các giải pháp để tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần định vị, thay đổi cấu trúc sản xuất của nền kinh tế, đảm bảo có giá trị gia tăng tốt hơn, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
GS.TS. Tô Trung Thành cho rằng, thể chế về kinh tế tư nhân cần thay đổi để giải quyết những tồn tại về phát triển kinh tế tư nhân, như cần thay đổi tư duy về xây dựng pháp luật, vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa thúc đẩy sự sáng tạo của khu vực này.
Mặt khác phải giảm thiểu can thiệp hành chính, thay bằng tư duy hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp, nên cần môi trường đầu tư - kinh doanh thực sự minh bạch và bình đẳng.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, chỉ rõ các hạn chế và nguyên nhân các hạn chế của thể chế kinh tế tại Việt Nam. Ảnh: H.D
Cải cách đang diễn ra với mức độ khẩn trương chưa từng có
Ngoài vấn đề thời sự “nóng” nêu trên, hội thảo cũng công bố Ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2024 của Đại học Kinh tế Quốc dân với chủ đề: “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong kỷ nguyên mới”.
Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là mục tiêu đầy thử thách.
GS.TS. Phạm Hồng Chương nêu rõ, để có thể duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống thì việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng.
Từ góc nhìn chuyên gia quốc tế, ông Jonathan D.London - Cố vấn Kinh tế, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng, Việt Nam cần chiến lược rõ ràng, cân bằng giữa giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
Về trước mắt, chính sách công nghiệp và thương mại cần được ưu tiên, cùng với ngoại giao kinh tế.
Về dài hạn, Việt Nam phải tìm cách củng cố mô hình tăng trưởng hiện tại, đồng thời chuẩn bị cho mô hình mới - tập trung vào năng suất, chuyển hướng đầu tư công vào hạ tầng thiết yếu, năng lượng, đào tạo kỹ năng và điều chỉnh chính sách thuế để khuyến khích nâng cấp công nghệ.
Hệ thống thể chế có tình bao trùm chính là nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ và giúp khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế.
Theo nghiên cứu từ Ấn phẩm thường niên năm nay, những cải cách về thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang diễn ra với mức độ khẩn trương chưa từng có.
Đó là việc tập trung thực hiện kế hoạch về tinh gọn bộ máy nhà nước các cấp, thực hiện nhiều biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh…
Đặc biệt, chính sách tài khóa được duy trì theo hướng mở rộng tích cực nhằm kích thích tổng cầu.
Nhưng Ấn phẩm cũng nhận định, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là một thách thức rất lớn, do nhiều tác động từ cả trong nước và quốc tế.
Vì thế, Ấn phẩm đưa ra nhiều khuyến nghị như phải mở cửa thị trường vốn nhưng vẫn đảm bảo an ninh tài chính, phải mở rộng cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân trong nước… cũng như tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát.
Chính phủ cần đẩy mạnh chính sách tài khóa với các giải pháp hỗ trợ điều chỉnh tổng cầu của nền kinh tế, nhất là cầu trong nước do cầu từ xuất khẩu có thể bị tác động bởi căng thẳng thương mại. Đồng thời cần tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…/.